Phóng viên: Thưa bác sĩ, sau khi Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn xét nghiệm vius SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, đã có ý kiến lo ngại về tính chính xác của việc gom mẫu để xét nghiệm, dù điều này vừa nhanh, vừa giảm chi phí. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ý kiến của ông ra sao?
BS Trương Hữu Khanh: Hãy đọc kỹ hướng dẫn số 3486/QĐ-BYT “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2” của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký.
Hướng dẫn của Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào tình hình dịch bệnh, sự lưu hành, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, cơ quan chuyên môn y tế xem xét quyết định việc gộp mẫu xét nghiệm. Khi thực hiện giám sát dịch tễ tại cộng đồng, đối với nhóm đối tượng không có triệu chứng.
Nhưng cũng đặc biệt cần lưu ý xét nghiệm gộp không áp dụng đối với các trường hợp sau:
Những trường hợp có triệu chứng, người tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ cao; Các mẫu thu thập từ người đã xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả xác định; Các mẫu thu thập từ bệnh nhân COVID-19 đang điều trị; Tỷ lệ mắc COVID-19 trong cộng đồng cao (tùy theo từng khu vực, địa bàn do Sở Y tế đánh giá và xác định).
Bên trong BV Phổi Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
|
Phóng viên: Xin bác sĩ chia sẻ thêm về trình tự gộp mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2?
BS Trương Hữu Khanh: Việc xét nghiệm gồm có các bước sau:
Mẫu bệnh phẩm sau khi đã được thu thập riêng biệt được lập danh sách mẫu để gộp 5 mẫu thành 1 nhóm (nhóm mẫu gộp), mỗi nhóm mẫu gộp được mã hóa riêng.
Xếp từng nhóm mẫu theo thứ tự đã mã hóa; Chuẩn bị tuýp chứa 2-3ml môi trường bảo quản vi rút vô trùng, ghi mã của mỗi nhóm lên tuýp. Trộn đều từng mẫu đơn đã được thu thập bằng máy lắc/votex.
Chuyển 200 μl dung dịch của mỗi mẫu đơn trong nhóm 5 mẫu vào tuýp mẫu gộp; Đóng chặt nắp tuýp mẫu gộp; Bảo quản các mẫu đơn trong nhóm (mẫu gốc) tại nhiệt độ – 40oC đến khi sử dụng lại khi cần thiết.
Cuối cùng là tiến hành xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp Realtime RT- PCR theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Về xem xét đánh giá kết quả của xét nghiệm gộp: Nếu kết quả xét nghiệm mẫu gộp âm tính tức là tất cả các mẫu đơn trong nhóm gộp là âm tính và không cần thực hiện xét nghiệm tiếp.
Kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính tức là có ít nhất 1 mẫu trong nhóm gộp dương tính. Trong trường hợp này phòng xét nghiệm cần báo cáo với đơn vị quản lý về kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo qui định.
Thực hiện xét nghiệm đối với từng mẫu bệnh phẩm đơn trong trong nhóm. Nếu có mẫu dương tính thì gửi mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định (nếu phòng xét nghiệm đó chưa được phép khẳng định) để xác nhận kết quả. Nếu không có mẫu dương tính thì lấy lại mẫu, thực hiện xét nghiệm lại theo quy trình thông thường đối với từng trường hợp, phiên giải kết quả và thực hiện các hoạt động báo cáo, phòng chống dịch theo qui đinh.
Kết quả xét nghiệm mẫu gộp không rõ: thực hiện lại qui trình gộp mẫu và xét nghiệm mẫu gộp theo hướng dẫn.
Bác sĩ đồng hành cùng bệnh nhân COVID-19 trong BV Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
|
Phóng viên: Mới đây, Đà Nẵng đã sử dụng phương pháp xét nghiệm gộp cho hơn 3.300 người. Theo ông, Hà Nội và TP.HCM có nên sử dụng phương pháp này, vì hiện tại cả Hà Nội và TP.HCM đều đang có một số lượng người rất lớn cần được xét nghiệm?
BS Trương Hữu Khanh: Hiện nay, cộng đồng khoa học thế giới đều thống nhất rằng việc hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 chỉ có thể đạt được thông qua xét nghiệm hàng loạt, sau đó cách ly những người bị nhiễm bệnh, tìm ra những liên hệ của họ cho đến khi có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng xét nghiệm gộp vẫn không thay thế được biện pháp cách ly đúng và sử dụng khẩu trang.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, phương pháp gộp mẫu xét nghiệm có mặt hạn chế nào không?
BS Trương Hữu Khanh: Việc gộp mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 có một số hạn chế như có thể phải quay lại nhóm đối tượng có kết quả mẫu gộp dương tính SARS-CoV-2 để lấy lại mẫu làm xét nghiệm. Tuy nhiên, mục tiêu của xét nghiệm gộp là giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm; giảm thời gian xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm; bảo đảm chất lượng xét nghiệm theo diễn biến tình hình dịch bệnh để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan làm căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.
Xét nghiệm gộp chỉ được phép thực hiện tại phòng xét nghiệm bảo đảm điều kiện an toàn sinh học cấp II; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, với kinh nghiệm của một chuyên gia, xin ông cho biết việc xét nghiệm gộp được thực hiện với các bệnh khác như HIV, HBV, HBC gan... thì sao?
BS Trương Hữu Khanh: Nhiều năm qua, các Trung tâm truyền máu lớn ở nước ta cũng đã thực hiện kỹ thuật gộp mẫu để sàng lọc các mầm bệnh HIV, HBV, HBC gan... Đặc biệt, Trung tâm máu quốc gia thuộc BV TM-HH TP.HCM là hệ thống xét nghiệm PCR tự động công suất lớn. Kinh nghiệm của tôi về các xét nghiệm gộp này luôn có độ chính xác tuyệt đối nếu làm đúng các bước như hướng dẫn.
Phóng viên: Cám ơn bác sĩ!