|
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định “chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư để xây dựng và phát triển thành phố nhưng không khuyến khích các chủ đầu tư sai phạm” |
Sáng 24-6, tại hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về việc cấp “sổ đỏ” cho người dân và vấn đề trật tự văn minh đô thị, Bí thư quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết cho biết chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực chưa thực hiện nghiêm túc quyết định cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm công trình.
“Đối với vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, quận ủy họp rất nhiều lần, đã báo cáo TP. Thành phố đã quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ và xử lý vi phạm tại đây.
Tuy nhiên, với thẩm quyền của quận chưa đủ áp lực để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Chủ đầu tư đã gây nhiều khó khăn trong thực hiện cưỡng chế phá dỡ, thực hiện chưa nghiêm túc. Nguồn tiền để thực hiện phương án phá dỡ, chủ đầu tư cố tình không đảm bảo, vì vậy đơn vị phá dỡ chậm thực hiện” - ông Quyết cho hay.
Ông Quyết cho biết, trước việc chậm chế trong phá dỡ phần sai phạm công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình đã báo cáo Chủ tịch UBND TP.
“Nếu kết thúc tuần làm việc này mà chủ đầu tư không đảm bảo kinh phí cho đơn vị phá dỡ, quận sẽ báo cáo TP có biện pháp mạnh hơn nữa như xem xét đề nghị phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư công trình này hoặc có biện mạnh hơn để thực hiện việc phá dỡ phần sai phạm” - ông Quyết nói.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện mà xây thẳng đến mái.
Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn.
Theo giấy phép xây dựng, chiều cao công trình đến đỉnh tum thang là 53 m nhưng chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng).
Diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng hơn 6.100 m2 so với giấy phép.
Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, dứt khoát không để chậm tiến độ phá dỡ nhà 8B Lê Trực.
Ông Chung chỉ đạo nếu chủ đầu tư không cung ứng đủ chi phí cho đơn vị thực hiện phá dỡ thì quận Ba Đình ứng tiền để đơn vị phá dỡ thực hiện tháo dỡ sai phạm tại công trình này.
Kết quả cấp “sổ đỏ” là tiêu chí đánh giá công tác lãnh đạo
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến cuối tháng 6-2016, Hà Nội đã cấp “sổ đỏ” cho hơn1,4 triệuthửa đất, căn hộ.
Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp “sổ đỏ”, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, nhiều đại biểucũng cho rằng công tác cấp “sổ đỏ” còn khó khăn, tồn đọng, đó là tình trạng hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch hiện nay.
UBND TPHà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường kết hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, để đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ”, đảm bảo cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
UBND TP Hà Nội cũng đề ra mục tiêu đến tháng 6-2017 hoàn thành việc đăng ký, cấp “sổ đỏ” hoặc lập hồ sơ sở quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng, hoàn thành việc cấp “sổ đỏ” cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp “sổ đỏ”.
"Kết quả công tác cấp “sổ đỏ” trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền" - Phó bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Theo Tuổi trẻ