Xe Trung Quốc đưa vào Việt Nam dùng công nghệ HEV hay PHEV?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi các xe thuần điện (EV hoặc BEV) dần trở nên khá quen thuộc với người dùng Việt Nam thì những chiếc xe HEV hay PHEV cũng nhận được sự quan tâm của khách hàng nhờ những ưu điểm của công nghệ này.

Chiếc Jaecoo J7 PHEV. Ảnh: Jaecoo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV. Ảnh: Jaecoo

Xe HEV là gì?

Xe HEV (Hybrid Electric Vehicle) còn được gọi là xe điện lai, là xe sử dụng cả động cơ xăng và động cơ điện. Tuy nhiên, xe HEV thường không có cổng sạc ngoài mà pin sẽ được sạc tự động nhờ phanh tái sinh, hoặc động cơ xăng sẽ hoạt động như máy phát để sạc pin khi cần.

Chiếc xe HEV tiên phong là Toyota Prius, ra đời vào năm 1997, sau đó là hãng Honda với mẫu Honda Civic hybrid. Ngày nay, Toyota vẫn là hãng xe kiên trì với dòng xe HEV, trong khi nhiều hãng xe khác trên thế giới đã đánh cược vào xe thuần điện (BEV).

Ưu điểm của loại xe này là người lái xe không phải lo sạc pin, xe chạy tiện dụng như xe xăng thông thường. Xe cũng tiết kiệm nhiên liệu (khoảng 4-5 lit/100 km tùy xe) và cho công suất lớn.

Dưới đây là số liệu thống kê của PCmag về mức tiêu thụ nhiên liệu và công suất của 2 mẫu xe HEV là Kia Sportage Hybrid 2024 và Toyota Rav 4 Hybrid 2024 so với xe xăng cùng loại:

Kia Sportage 2024 (xăng đầy): 7,3L/100km đường cao tốc với 187 mã lực

Kia Sportage Hybrid 2024: 5,4L/100km đường cao tốc với 227 mã lực

Toyota Rav 4 2024 (xăng đầy): 6,7L/100km đường cao tốc với 203 mã lực

Toyota Rav 4 Hybrid 2024: 5,7L/100km đường cao tốc với 219 mã lực

Toyota-Rav4 Hybrid - Car Expert.jpg
Toyota Rav 4 Hybrid 2024. Ảnh: Car Expert

Xe HEV có một số nhược điểm như giá thành cao so với xe xăng, do được trang bị cả động cơ điện và động cơ xăng. Ngoài ra, viên pin trên xe hybrid thường nhỏ nên nếu chạy điện, nó chỉ đi được quãng đường khoảng 18-20 km.

Xe PHEV - sự kết hợp hoàn hảo giữa điện và xăng

Xe PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) cũng là loại xe kết hợp động cơ điện và động cơ xăng, tuy nhiên xe PHEV có viên pin lớn nên có cổng sạc pin - kết nối vào nguồn điện bên ngoài. Người ta còn gọi loại xe này là xe Hybrid cắm điện.

Xe PHEV có phạm vi lái xe bằng điện lớn hơn xe HEV, thông thường khoảng từ 50-100 km, cho phép chúng di chuyển quãng đường khá dài bằng năng lượng điện trước khi động cơ xăng khởi động.

Một số xe như Jeep Grand Cherokee 4xe PHEV cho phép chạy bằng động cơ xăng trước khi người dùng chuyển đổi sang chạy điện.

Do pin nhỏ hơn so với xe thuần điện nên xe PHEV chỉ mất rất ít thời gian để sạc pin. Giống như xe hybrid, nhiều xe PHEV cũng tự sạc lại pin trong khi lái xe thông qua phanh tái sinh.

Nhược điểm của xe PHEV là giá thành cao, bảo trì phức tạp vì chứa cả hai loại động cơ xăng và điện. Ngoài ra, pin điện cần phải được sạc hàng ngày.

Đối với bản thân xe PHEV thì cũng chia ra 3 loại/công nghệ khác nhau:

Hệ thống PHEV song song (Parallel PHEV): Xe có thể chạy hoàn toàn bằng điện hoặc kết hợp động cơ xăng và điện.

Hệ thống PHEV nối tiếp (Series PHEV): Tương tự Hybrid nối tiếp nhưng pin lớn hơn, có thể sạc ngoài.

Công nghệ DM (Dual Mode) bao gồm: DM-i (Intelligent Dual Mode) - ưu tiên hiệu suất nhiên liệu, phù hợp với di chuyển đô thị; DM-p (Performance Dual Mode) - tối ưu cho hiệu suất cao, công suất lớn.

Các xe Trung Quốc đưa vào Việt Nam dùng công nghệ HEV hay PHEV?

Ban đầu, xe Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam là các mẫu xe xăng, nổi bật có thể kể đến các mẫu xe của MG hay Beijing X7 hay gần đây nhất là Geely Coolray.

Năm 2023-2024, làn sóng xe thuần điện bắt đầu tràn vào Việt Nam, đầu tiên là Wuling Hongguang mini EV, sau đó là 3 mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal của hãng BYD cũng như 4 mẫu xe Wuling Bingo. Sau đó lần lượt là màn chào sân của các hãng như Omoda & Jaeco, Dongfeng, AION, Lynk & Co. Tính đến hết năm 2024, đã có 13 hãng xe Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam.

Nhìn chung, các mẫu xe xăng và xe điện Trung Quốc đang rất chật vật tìm chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do niềm tin của người tiêu dùng Việt vào xe Trung Quốc rất thấp, ngoài ra còn là chính sách về giá và sự thiếu hụt hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.

Gần đây, để xóa bỏ những lo ngại về trạm sạc, một số hãng xe Trung Quốc đã đưa vào Việt Nam các mẫu xe HEV và PHEV. Đó là Jaecoo J7 PHEV, Haval H6 và BYD Sealion 6 PHEV.

Jaecoo J7 sử dụng công nghệ PHEV song song (Parallel PHEV) - tập trung vào hiệu suất cao hơn là tiết kiệm nhiên liệu thuần túy.

Xe được trang bị động cơ xăng 1.5 TDGI (công suất 141 mã lực, mô-men xoắn 215 Nm) kết hợp với hai motor điện, trong đó một motor điện có nhiệm vụ dẫn động, công suất 201 mã lực, mô-men xoắn 310 Nm. Một motor điện còn lại đóng vai trò máy phát để tạo điện truyền trực tiếp cho motor dẫn động hoặc sạc lại pin.

Cung cấp năng lượng cho motor điện là pin lithium-ion dung lượng 18,3 kWh. Pin hỗ trợ sạc nhanh DC 40 kW từ 30-80% trong 20 phút, sạc chậm 6,6 kW từ 30-80% khoảng 3 giờ. Nếu dùng bộ sạc cầm tay thì thời gian sạc đầy là 8,5 giờ.

Theo công bố của nhà sản xuất, xe đi được 106 km ở chế độ chạy điện. Nếu kết hợp động cơ xăng và pin sạc đầy thì quãng đường lên 1.300 km. Lưu ý đây là những thông số ở điều kiện lý tưởng. Trên thực tế, xe chỉ chạy được chế độ điện ở mức pin trên 25%, tức là đi được quãng đường khoảng từ 60-80km.

Trong khi đó, chiếc Sealion 6 của BYD sử dụng công nghệ PHEV DM-i (Intelligent Dual Mode). Xe có động cơ xăng 1.5L công suất 96 mã lực, mô-men xoắn cực đại 122 Nm kết hợp với một motor điện công suất 194 mã lực, mô-men xoắn 300 Nm. Xe còn có một motor nữa làm nhiệm vụ máy phát điện, không dẫn động xe.

Viên pin trên xe là loại LFP (Lithium Iron Phosphate - Blade Battery) dung lượng 18,3 kW, cho phép xe hoạt động thuần điện trong phạm vi 100 km. Nếu kết hợp cả xăng và điện thì quãng đường, theo công bố của nhà sản xuất, là 1200 km.

BYD Sealion 6 PHEV - anh BYD.jpg
Chiếc BYD Sealion 6 PHEV. Ảnh: BYD

Trong khi đó, chiếc Haval H6 nhập khẩu từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam là loại xe sử dụng công nghệ HEV, tức là không có cổng sạc cho pin. Xe được trang bị động cơ xăng 1.5 tăng áp, kết hợp motor điện cho công suất 240 mã lực và sức kéo 530 Nm. Theo công bố của nhà sản xuất, xe tiêu thụ khoảng 5,2 lít xăng cho mỗi 100 km lăn bánh.

Thời gian tới, hãng có thể đưa vào giới thiệu tại Việt Nam 2 phiên bản H6 PHEV như đã giới thiệu trong triển lãm xe tại Thái Lan hồi tháng 3 vừa qua.

Nhìn chung, các hãng xe Trung Quốc đang đưa vào thị trường Việt Nam các mẫu xe sử dụng công nghệ PHEV đời đầu, với ưu điểm là giá rẻ, pin bền. Pin được sử dụng là loại LFP có tính an toàn, tuổi thọ cao. Xe đáp ứng ưu tiên về hiệu suất nhiên liệu, phù hợp với di chuyển đô thị.

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc hoặc một số thị trường trọng điểm như Thái Lan, các hãng xe Trung Quốc đang sử dụng các bản facelift (nâng cấp) với các công nghệ như Super Hybrid hay Multi-mode Hybrid cho phép kết hợp nhiều chế độ vận hành linh hoạt cũng như tối ưu hóa hiệu suất nhiên liệu, chỉ khoảng 2-3L/100km. Một số mẫu xe cao cấp sử dụng pin NMC (Nickel Manganese Cobalt) để tăng mật độ năng lượng và tăng phạm vi di chuyển.