Tranh cãi "nảy lửa" về xe PHEV có nên thường xuyên sạc điện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Xe PHEV - loại ô tô lai cắm sạc ngoài, đang trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi "nảy lửa" giữa một chuyên gia và đại diện hãng xe ở Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường ô tô đang sôi động chuyển mình theo xu hướng điện hóa, tranh luận về dòng xe lai sạc ngoài (PHEV - Plug-in Hybrid Electric Vehicle) lại bất ngờ “nóng" trở lại khi TS. Đàm Hoàng Phúc (ĐH Bách khoa Hà Nội) và ông Nguyễn Đăng Quang (Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Omoda & Jaecoo Việt Nam) có màn đối đáp thẳng thắn xoay quanh việc liệu xe PHEV có thực sự cần sạc hay không.

"PHEV là xe điện. Đã là xe điện thì phải sạc”

TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội, tuyên bố chắc nịch trong bài đăng trên trang cá nhân của mình: “PHEV là xe điện. Đã là xe điện thì phải sạc!”.

484114695_10224665306253985_5004950466287424975_n.jpeg
TS. Đàm Hoàng Phúc.

Ông Phúc nhấn mạnh, PHEV không phải là dạng hybrid "biết cắm sạc cho vui", mà là phương tiện được thiết kế để chạy điện hàng ngày, xăng chỉ dùng khi đi xa. Nếu người dùng bỏ qua việc sạc, xe sẽ mất đi lợi thế cốt lõi và vô tình khiến động cơ xăng phải "gánh" thêm một bộ pin nặng từ 300–400kg, dẫn đến hiệu suất kém, tiêu tốn nhiên liệu và giảm tuổi thọ pin.

Theo TS. Phúc, nếu người mua xe PHEV không sạc điện thường xuyên, không chỉ là sai lầm sử dụng, mà còn là “hai tội ác kỹ thuật”.

Thứ nhất, chế độ hybrid không tối ưu nếu không sạc đầy pin từ ngoài. Chiếc xe phải chuyển sớm sang chế độ hybrid, nơi động cơ xăng và điện phải gồng mình kéo xe cùng lúc, tiêu hao nhiên liệu còn tệ hơn HEV (xe hybrid tự sạc hoàn toàn, Full hybrid). Đừng mơ tới những con số tiết kiệm mà nhà sản xuất đã công bố!

Thứ hai, chu kỳ sạc không đều, giảm tuổi thọ pin. Không sạc ngoài đồng nghĩa với việc không phát huy được hết các thuật toán tối ưu sạc pin của nhà sản xuất. Pin bị ép vào những chu kỳ sạc thất thường kéo dài liên tục từ động cơ xăng. Pin lithium-ion ghét điều này. Hậu quả? Dung lượng pin tụt nhanh như niềm tin vào những lời quảng cáo mỹ miều.

Ông Phúc kết luận: “Bỏ tiền mua PHEV mà không sạc, chẳng khác nào mua nồi cơm điện rồi… nhóm củi.”

Phản biện trái ngược từ đại diện hãng xe

Nhận định như trên về xe PHEV nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng mạng. Ông Nguyễn Đăng Quang, đại Omoda & Jaecoo Việt Nam, đơn vị vừa ra mắt mẫu xe PHEV J7 giá 879 triệu đồng, lập tức "phản pháo".

493989204_10227428006078007_5614648793475421369_n.jpeg
Ông Nguyễn Đăng Quang.

Dẫn ví dụ từ mẫu J7 PHEV Super Hybrid, ông Quang cho rằng TS. Phúc đang áp dụng tư duy và công nghệ của thời 2015-2020 vào thế hệ PHEV hiện đại.

Theo ông Quang, những chiếc PHEV mới như Jaecoo J7 hoạt động thông minh, có thể chạy thuần điện ở tốc độ từ 0–120 km/h ngay cả khi không cắm sạc, nhờ khả năng sinh điện từ động cơ đốt trong. Bộ pin của xe cũng nhẹ hơn nhiều so với xe điện – chỉ khoảng 122kg thay vì 300–400kg như TS. Phúc đề cập.

Ông Quang nhấn mạnh: “Không sạc cũng chẳng sao. Có sạc thì văn minh, không sạc vẫn vận hành thông minh, tiết kiệm. Tôi gọi đó là ‘Xe điện không sạc’”.

Về tuổi thọ pin, ông Quang cho biết hệ thống Super Hybrid giúp duy trì mức SoC (biểu thị trạng thái tích điện) lý tưởng (30–80%), giảm hao mòn và tối ưu độ bền. Ông cũng trích dẫn thành tích Guinness thế giới mà chiếc PHEV đi được tới 2.369 km chỉ với một lần nạp nhiên liệu và sạc, vượt xa xe thuần điện.

Tranh luận chưa ngã ngũ

Ở góc độ chuyên gia, TS. Phúc đứng về phía tư duy kỹ thuật thuần túy: Xe có khả năng sạc ngoài và thiết kế sạc ngoài thì nên sử dụng đúng thiết kế, nếu không sẽ “phản tác dụng”. Ngược lại, ông Quang lại đại diện cho xu hướng tiếp cận thực tiễn, linh hoạt, đặt trải nghiệm người dùng làm trung tâm: “Thích thì sạc, không thích thì xe vẫn chạy tốt.”

Cuộc tranh luận này phản ánh hai luồng tư duy rõ rệt: Một bên là sự kỳ vọng vào việc tận dụng tối đa công nghệ để bảo vệ môi trường, một bên là mong muốn đơn giản hóa trải nghiệm và mở rộng tiện ích cho người dùng.

Dù cả hai phía đều đưa ra quan điểm khá rõ ràng, tuy trái ngược nhưng cũng cho thấy xu hướng công nghệ động cơ trên ô tô hiện nay đã phát triển khá nhanh và dần tác động đến xu hướng lựa chọn mua xe của người Việt.

z6521156140985_988e410cf2ca6de26645416f085058eb.jpg
Mẫu xe Jaecoo J7 PHEV mới bán tại Việt Nam.

Cụ thể, nếu như năm 2024, ước tính số lượng xe PHEV còn khá ít trên thị trường, với đại diện điển hình như mẫu Mitsubishi Oulander, Volvo XC90 recharged PHEV, hay KIA Sorento; trong khi xe MHEV, HEV chiếm số lượng lớn hơn, nổi bật là hãng Toyota với loạt mẫu Corolla Cross 1.8 HV, Camry 2.5 HV, Corolla Altis 1.8 HEV, Yaris Cross HEV; Honda CR-V e:HEV RS; Hyundai Santa Fe HEV; Suzuki Ertiga MHEV; Nissan Kicks e-Power; Haval H6 HEV...

Bước sang năm 2025, số lượng xe PHEV đã gia tăng đáng kể với sự góp mặt của BYD Sealion 6 và Jaecoo J7 PHEV.

Việc xe PHEV góp mặt nhiều hơn và giá bán cũng dần rẻ hơn, thậm chí hướng đến cạnh tranh với xe chạy điện có thể sẽ làm thay đổi cục diện thị trường xe điện tại Việt Nam trong vài năm tới. Khi công nghệ ngày càng hoàn thiện, giá thành giảm và chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn, PHEV có thể trở thành lựa chọn “dễ tiếp cận” hơn cho những người dùng chưa sẵn sàng chuyển hẳn sang xe thuần điện (BEV), nhưng vẫn muốn giảm dần sự phụ thuộc vào xăng dầu.