“Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu”- công trình đáng trân trọng

Đây là công trình của hai học sinh Vũ Nhật Hào (lớp 12A5) và Thân Hoàng Gia Huy (lớp 12A6) của Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) dưới sự hướng dẫn của thầy Ngô Văn Tiến, giáo viên vật lý của trường này. Công trình đã được trao giải nhất tại cuộc thi “Khoa học- kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học”.
Hào và Huy lắp ráp mạch điện cho xe

Ý tưởng hình thành từ việc muốn giúp một cựu chiến binh

Chia sẻ về ý tưởng này, Thân Hoàng Gia Huy kể: “Trong một lần đi chơi cùng các bạn tại thôn Khả Lễ 1, Phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh, em và bạn Hào đã gặp gỡ gia đình cựu chiến binh Diêm Trọng Thách. Gia đình ông có 5 người đều bị nhiễm chất độc da cam. Các con của ông di chuyển rất khó khăn. Em cảm thấy thương sót vô cùng. Mình có thể làm gì để vơi đi nỗi đau cho người cựu chiến binh này? Rồi trong đầu em lóe lên một ý nghĩ: “Mình có thể chế tạo ra chiếc xe lăn để giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn không?”.

Vũ Nhật Hào (đeo kính) và các bạn cùng lớp

Điều thú vị là cũng trong thời gian này Vũ Nhật Hào, người bạn thân cùng trường cũng có những suy nghĩ tương tự. Huy và Hào gặp nhau, bàn đi tính lại nhiều lần và sau nhiều ngày trăn trở, Huy, Hào tới gặp thầy Ngô Văn Tiến để thổ lộ ý tưởng của mình.

“Rất may và rất mừng là sau khi nghe chúng em trình bày ý tưởng thày Tiến đã ủng hộ ngay và còn khích lệ chúng em rất nhiều”- Thân Hoàng Gia Huy nhớ lại.

Năm 2016, sau nhiều ngày, tranh thủ ngoài giờ học, dưới sự chỉ bảo trực tiếp của thầy Ngô Văn Tiến, hai học sinh Thân Hoàng Gia Huy và Vũ Nhật Hào đã hoàn chỉnh dự án có tên “Xe lăn đa hướng dành cho người khuyết tật”. Dự án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Giải Nhất quốc gia.

Sau khi nhận được giài thưởng cao quý này Huy và Hào tới gặp thày Tiến để chia sẻ niềm vinh dự này. “Thày Tiến đã rất hạnh phúc khi “công trình” mà chúng em thực hiện dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp của thày đã được ghi nhận”- Vũ Nhật Hào kể,

Ngay trong ngày vui ấy Huy và Hào đã đề nghị thày Tiến cho triển khai nâng "công trình" này lên một tầm cao hơn: tiến hành thực hiện làm thử chiếc xe lăn có thể điều khiển bằng cử chỉ của đầu. Thày Tiến suy ghĩ một lát rồi gật đầu.

Chiếc xe lăn kỳ diệu

Ý tưởng là vậy, nhưng khi bắt tay vào làm gặp không ít khó khăn. Thầy Tiến hướng dẫn các em tìm hiểu tài liệu về xe lăn, cảm biến robot qua internet. Mỗi tuần hai buổi, các em đến nhà thầy trao đổi và học hỏi thêm. Sau 4 tháng tìm hiểu, ba thầy trò đã thống nhất và hoàn thành ý tưởng trên lý thuyết.

Trao đổi với chúng tôi thầy Tiến chia sẻ: “Việc tìm kiếm linh kiện và lắp ráp cho đúng ý tưởng rất nan giải. Tại địa phương không có đầy đủ linh kiện nên phải tìm hiểu và đặt mua tại Hà Nội. Quá trình lắp ráp cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng về lập trình tin học, cơ khí điện hóa. Các giáo viên trong trường cũng tham gia hỗ trợ thầy trò rất nhiều”.

Rồi thêm 4 tháng nữa trôi qua, cuối cùng sản phẩm “Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu” tận dụng từ những phế phẩm được hoàn thành. Thầy và trò đã mang sản phẩm tới nhà ông Diêm Trọng Thách, cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam để thử nghiệm và đã thành công.

Gặp chúng tôi, ông Thách hồ hởi: “Tôi rất vui mừng vì chiếc xe này giúp các con tôi di chuyển dễ dàng hơn. Cảm ơn thầy và trò. Chúc thầy, trò ngày càng có nhiều sản phẩm hữu ích”.

Lãnh đạo nhà trường mừng thày trò đoạt giải cao

Hiện chiếc xe vẫn có chức năng điều khiển bằng tay. Trong trường hợp người dùng không điều khiển được bằng tay sẽ dùng cử chỉ đầu để “ra lệnh”. Xe có tốc độ tối đa khoảng 4km/h, acquy hoạt động liên tục trong 4 giờ, có hệ thống phanh tự hãm, có thể leo dốc 15°, tùy chỉnh được độ cao thấp của ghế ngồi. Đáng chú ý, chiếc xe còn được tích hợp nút SOS tự động gọi điện cho người thân khi xe gặp nạn.

Để hoàn thiện sản phẩm, thầy Tiến và hai học trò của mình đã tháo xe để cải tiến, tạo tính ứng dụng cao trong vận hành.Thầy Ngô Văn Tiến cho biết, thầy, trò đang cố gắng cải tiến làm sao cho giảm giá thành và xe có thể đi được  trên địa hình mấp mô. Sau khi hoàn thành, nhà trường sẽ gửi tặng lại chiếc xe tới gia đình ông Diêm Trọng Thách.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, cả Huy và Hào đều có chung một ý định: thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Chúng em muốn được học tập, tu dưỡng, nghiên cứu, một phần là để nâng cao hơn nữa chất lượng công trình này và trong tương lai chúng em muốn nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất để phục vụ cuộc sống”.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (12A5 Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh) nói: “Sản phẩm này rất hay và có tính ứng dụng cao. Em cũng muốn tham gia với các bạn nhưng còn thiếu nhiều kiến thức nên em cần học hỏi thêm”.

Thầy Ngô Văn Tiến cho biết: “Chi phí sản xuất chiếc xe theo dây truyền cần khoảng 7-8 triệu đồng. Chiếc thử nghiệm cần từ 10-11 triệu đồng chi phí”.