Xây sân bay Long Thành, tác động tới nợ công rất … nhỏ

Lo lắng dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tác động tới nợ công được giải tỏa khi báo cáo của Chính phủ khẳng định, tác động này không đáng kể. sáng 4/6 Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, lo lắng dự án sẽ tác động tới nợ công được giải tỏa khi báo cáo khẳng định, hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể.

Theo chương trình làm việc, sáng 4/6 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong báo cáo lần này gửi tới Quốc hội, Chính phủ một lần nữa tái khẳng định việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mục tiêu trước hết là khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực. Mục tiêu lâu dài sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, trong tương lai có thể đảm nhận được vai trò là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Về phân kỳ đầu tư, báo cáo cho biết, dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến là 5,2 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2018 – 2025.

Sau khi tính toán, rà soát lại giai đoạn 1 của dự án bỗng giảm... 2,6 tỷ USD

Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.

Giai đoạn 3, hoàn thành mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm; 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2024 – 2050.

Theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha; sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư dự án theo phương án phân kỳ đầu tư, thì nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha (không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng khoảng 1.050 ha và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác khoảng 1.200 ha. 

Trong đó, diện tích đất cho giai đoạn 1 là 1.165 ha với kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 4.042 tỷ đồng. Giai đoạn 2 kinh phí GPMB khoảng 7.209 tỷ đồng cho diện tích 1.585 ha còn lại. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí Chính phủ đề nghị GPMB một lần cho 2.750 ha với chi phí ước tính 9.540 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản, với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ. Tuy nhiên, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (nhưng không làm thay đổi kỹ thuật chung của dự án) giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD.

Như vậy, so với dự toán ban đầu thì hiện số vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 1 cho dự án này đã giảm khoảng 2,6 tỷ USD. Lý do chủ yếu khiến cho tổng mức đầu tư giai đoạn 1 giảm khoảng 2,6 tỷ USD được báo cáo của Chính phủ dẫn giải, là do điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm từ 5.000 ha với kinh phí 989,04 triệu USD xuống còn 2.750 ha với kinh phí còn 454 triệu USD. Ngoài ra, giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư với kinh phí giảm là 1.057,9 triệu USD. Bên cạnh đó, không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác (462,9 triệu USD). Các chi phí khác (tư vấn, dự phòng, thuế…) giảm tương ứng là 581,4 triệu USD.

Cơ cấu nguồn vốn của giai đoạn 1 cũng được báo cáo nêu khá chi tiết. Theo đó, vốn ngân sách Nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng, chiếm 11,1%  tổng mức đầu tư của dự án. Số vốn này dự kiến phân bổ trong 3 năm, mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng. Vốn ODA ước tính được nêu tại báo cáo là 29.177 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng mức đầu tư của dự án. Nhiều nhất là vốn huy động ngoài ngân sách ước tính 68.644 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng mức đầu tư của dự án.
Ở báo cáo này, Bộ trưởng Thăng nêu rõ tác động của các khoản vay dự án lên GDP (theo giá hiện hành), trên cơ sở dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai dự án (tạm tính từ 2016 - 2026) từ phần vốn vay ODA trên GDP.

Cụ thể, với phương án 1, ngân sách Nhà nước cân đối đủ - thì tác động lớn nhất là 0,22% GDP vào năm 2024 và 2025.
Phương án 2, ngân sách Nhà nước không cân đối được, phải vay để đóng góp cho dự án thì tác động lớn nhất là 0,28% GDP vào năm 2024.
“Với các kịch bản nêu trên, tác động của dự án đến nợ công tối đa chỉ là 0,28% GDP. Như vậy, ảnh hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể”, báo cáo khẳng định.

Trong báo cáo của mình gửi tới Quốc hội trước phiên thảo luận quan trọng thông qua chủ trương về đầu tư dự án Long Thành, Chính phủ cũng thuyết phục Quốc hội, rằng dự án hoàn toàn có khả năng thu hồi vốn và khả năng trả nợ vốn vay đúng hạn. Vì kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội nên dự án có tính khả thi cao. Các khoản vay của dự án do doanh nghiệp tự hoàn trả và thời gian cho vay kéo dài từ 30 đến 40 năm nên áp lực trả nợ vay không lớn, không gây áp lực cho nợ công.

Về cơ chế đặc thù cho dự án, Chính phủ đề nghị được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án một lần và thực hiện ngay trong giai đoạn 1, tách công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư thành một dự án riêng. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng thể dự án và giai đoạn 1 của dự án tại kỳ họp này.

Theo Infonet