“Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được triển khai theo ba giai đoạn: 2015-2020, 2020-2030 và 2030-sau 2035. Dự án được thực hiện theo chủ trương huy động mọi nguồn lực xã hội, trong đó nguồn vốn từ ngân sách là rất nhỏ nên nguy cơ ảnh hưởng tới nợ công thấp” - ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, thông tin tại hội thảo về dự án sân bay Long Thành, sáng 14-5.
Có Long Thành vẫn xài Tân Sơn Nhất
Tại hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn: Nếu xây sân bay Long Thành thì có phải sân bay Tân Sơn Nhất sẽ “hết thời”? Theo ông Hùng và Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, việc phân kỳ đầu tư nhằm vừa xây mới sân bay Long Thành, đồng thời vẫn khai thác tốt sân bay hiện có. Cụ thể, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành chỉ xây dựng một đường cất-hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn này vẫn khai thác sân bay Tân Sơn Nhất như bình thường.
Ở giai đoạn 2, sân bay Long Thành sẽ có thêm đường hạ-cất cánh số hai độc lập và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tới giai đoạn sau cùng sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách và năm triệu tấn hàng hóa/năm.
Cần nhiều lao động phổ thông
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thông tin: “Đến nay tỉnh đã sẵn sàng triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) theo cả hai quy mô (5.000 ha và 2.750 ha) của sân bay Long Thành.
Với phương án 5.000 ha thì tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, TĐC là 13.104 tỉ đồng. Để thực hiện theo quy mô này, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạchhai khu TĐC gồm Lộc An - Bình Sơn (hơn 282 ha) và Bình Sơn (282 ha) với tổng mức đầu tư 5.390 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
Còn theo phương án 2.750 ha thì tỉnh chỉ cần xây dựng một khu TĐC Lộc An - Bình Sơn là đáp ứng đủ yêu cầu TĐC cho hơn 4.330 hộ dân bị giải tỏa trắng. Tổng mức đầu tư khu TĐC này là 2.695 tỉ đồng.
Theo ông Vĩnh, việc xây dựng khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC và đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất sẽ được hoàn thành trong tháng 6 để trình Chính phủ phê duyệt.Đáng lưu ý, khi xây dựng sân bay Long Thành sẽ cần 20.000 lao động (với tỉ lệ lao động phổ thông khoảng 75%). “Tỉnh sẽ đảm bảo giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho các hộ dân có đất bị thu hồi” - ông Vĩnh cam kết.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1: Vốn ngân sách nhà nước ước tính 12.149 tỉ đồng (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư của giai đoạn) dùng để giải phóng mặt bằng, TĐC, xây dựng công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước. Vốn ODA ước tính 29.177 tỉ đồng (chiếm 26,5%) dự kiến dành cho khu bay. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỉ đồng (62,4%) để đầu tư nhà ga, công trình thương mại.
Theo PLTP