Nhiều năm nay, thầy cô và học sinh tại phân hiệu Phước Thái và Phước Trung thuộc Trường tiểu học Phước Cát 2 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) khốn khổ vì nhà vệ sinh.
Lúc chưa có nhà vệ sinh, thầy cô cũng như học trò phải “đi bờ đi bụi”, nhưng lúc nhà vệ sinh xây xong rồi thì lại đóng cửa!
Cả trường kêu trời
Điểm Trường Phước Trung có ba lớp học với 25 học sinh và ba cô giáo. Từ nhiều năm nay, mấy cô trò mỗi khi muốn giải quyết nhu cầu vệ sinh thì phải đi nhờ nhà dân hoặc chạy lên đồi phía sau lưng trường.
Cô Trịnh Thị Út (giáo viên lớp 1B) cho biết từ năm 2012, công trình nhà vệ sinh bắt đầu được xây dựng theo chương trình hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Seqap) với số vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Nhà vệ sinh có diện tích khoảng 50m2, trải qua ba năm xây dựng, công trình vẫn chưa hoàn tất khiến cô trò rất bức xúc.
“Trời ơi, từ năm 2012 đến giờ mà xây mỗi cái nhà vệ sinh cũng chưa xong. Lâu nay không thấy xây nữa thì lại khóa cửa, không ai ra vô được” - cô Út nói.
Trong khi đó, ông Lê Huy - chủ thầu xây dựng công trình - cho biết: “Công trình đã xây xong, đã bàn giao. Nhưng do không có ai trông coi nên chúng tôi đóng cửa, đợi lúc nào có người trông nom sẽ giao chìa khóa”.
Vậy là hằng ngày cô trò tại điểm Trường Phước Trung vẫn cắn răng nhịn mỗi khi có nhu cầu giải quyết vệ sinh cá nhân. Cô Nguyễn Thị Thu Hài (giáo viên lớp 2B) bực bội nói: “Xây xong thì phải cho người ta sử dụng chứ. Cứ bắt cô trò đi bờ đi bụi hoài sao chịu được. Do đóng cửa hoài nên bụi bặm, mạng nhện bám đầy. Công trình mới xây xong gì mà dơ bẩn quá chừng!”.
“Mỗi khi có gió từ cánh đồng thổi qua, mùi khai từ bên ngoài hắt vào lớp, rất khó chịu. Dạy ở đây riết rồi chúng tôi ai cũng bị sỏi thận hết. Phải nhịn hoài nhịn hoài mà...” - cô Út chia sẻ thêm.
Nhà vệ sinh tại phân hiệu Phước Trung mặc dù đã bàn giao nhưng trông nhếch nhác như thế này - Ảnh: Lâm Thiên |
Phá cửa “giải cứu” nhà vệ sinh
Đó là câu chuyện xảy ra ngay tại phân hiệu Phước Thái thuộc Trường tiểu học Phước Cát 2, sau khi đông đảo phụ huynh bức xúc trước tình trạng con em không có nơi đi vệ sinh. Tại điểm trường này, công trình nhà vệ sinh (cũng thuộc chương trình Seqap) không khác gì tình trạng ở phân hiệu Phước Trung.
Anh Nguyễn Văn Dũng (phụ huynh một học sinh lớp 4 của trường) tức giận nói: “Đấy, rõ ràng là có nhà vệ sinh mà đi khóa lại, thấy có được không? Hằng ngày, tụi nhỏ phải nhịn đi vệ sinh thì sao mà tập trung học hành cho được!”.
Theo ông Đoàn Ngọc Nam - chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, do quá nhiều phụ huynh có ý kiến, phản ảnh nên UBND xã đã cử người xem xét tình hình thực tế tại phân hiệu Phước Thái. Và để các em học sinh có chỗ đi vệ sinh họ buộc phải phá cửa nhà vệ sinh nơi đây.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tường vách, hệ thống nước của nhà vệ sinh gặp trục trặc, nước bắt đầu tràn ra tường vách. Một giáo viên của Trường Phước Cát 2 ngán ngẩm cho biết: “Cái nhà vệ sinh trị giá hàng trăm triệu đồng, bằng tiền tôi xây căn nhà của mình, nhưng mới đi vào hoạt động đã hư lên hư xuống”.
Nhiều người cho rằng ở một huyện còn nhiều khó khăn và những điểm trường nhỏ, ít học sinh nhưng lại xây dựng nhà vệ sinh hàng trăm triệu đồng là một sự lãng phí quá lớn.
Nói về vấn đề này, ông Phan Văn Hưng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cát Tiên, cho biết chương trình Seqap có từ những năm 2010.
Tuy nhiên, do ông mới nhận nhiệm vụ ở đây nên không rõ tình hình xây nhà vệ sinh tại các điểm trường nói trên. Ông Hưng chỉ biết chương trình trên là từ nguồn vốn ODA.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Cát 2, các công trình nhà vệ sinh nơi đây đều xây chậm tiến độ. Nhà trường nhiều lúc phản ảnh với đơn vị thi công nhưng mọi việc vẫn không thay đổi.
Theo ông Lê Huy, sắp tới ông sẽ khắc phục những phản ảnh nói trên về các nhà vệ sinh trong thời gian ngắn nhất.
Hiệu phó ký nhận bàn giao, hiệu trưởng không biết!
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Cát 2, bà chưa hề ký nhận bàn giao công trình nhà vệ sinh nào. Người ký bàn giao cùng chủ thầu Lê Huy là ông Nguyễn Văn Nam (bí thư chi bộ, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Cát 2) nhưng ông Nam không báo cho bà biết.
“Ký nhận bàn giao công trình là việc của hiệu trưởng và người chịu trách nhiệm cũng là hiệu trưởng. Đằng này ông Nam đã ký mà còn không hề cho tôi hay biết gì. Vì vậy việc làm của ông Nam là sai” - bà Hằng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam giải thích: lúc đơn vị thi công bàn giao thì bà Hằng đi công tác nên ông ký thay, và ông làm việc này là do chỉ đạo của phòng giáo dục.
Chương trình Seqap tại Lâm Đồng
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, Seqap là chương trình hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục trường học sử dụng vốn ODA (đối ứng) của trung ương. Ở chương trình này, 50% là vốn của trung ương rót về, 50% còn lại là vốn địa phương bỏ ra, dựa trên cân đối ngân sách của tỉnh cấp về, sau đó sẽ cho đối ứng.
Chương trình Seqap hỗ trợ 60 trường tiểu học khó khăn, có từ 200 học sinh trở lên tại chín huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng (trừ TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và TP Bảo Lộc). Tại các trường này, chương trình Seqap sẽ xây dựng tối đa hai lớp học (để đảm bảo việc dạy học hai buổi/ngày) và hai nhà vệ sinh, hỗ trợ học sinh tại những trường này hai bữa ăn bán trú/ngày, mỗi bữa trị giá 15.000 đồng.
Theo Tuổi trẻ