Ý kiến chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ TT&TT ngày 28/4.
Cùng với Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được xác định là 3 trụ cột của Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020.
Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với việc báo cáo tình hình phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ TT&TT nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
|
Kinh tế số và xã hội số là 2 trong 3 trụ cột của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo Bộ TT&TT, trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng chuyển đổi số, xu hướng phát triển nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số, một số nước đã nhận ra cơ hội để sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình.
Tại Việt Nam, kinh tế số và xã hội số thời gian qua phát triển tự phát nhưng tăng trưởng khá nhanh. Sự tăng trưởng nhanh này là do hạ tầng viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bộ TT&TT cũng nhận định, chúng ta đang có những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.
Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, có số người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những thị trường hấp dẫn cho kinh tế số.
Việt Nam còn nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Covid-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, kinh tế số và xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài… và đặc biệt là chúng ta chưa có chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.
Bộ TT&TT cho rằng, các cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có chiến lược để định hướng, dẫn dắt của Chính phủ. Việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số làm căn cứ để huy động rộng rãi các nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc rất cần thiết.
Tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã đặt các mục tiêu rất cao cho phát triển kinh tế số, xã hội số, cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; và Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số CNTT (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Theo ICTNews