Bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa.
Bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa.

E-magazine 4 nền tảng chuyển đổi số quan trọng của MISA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA, doanh nghiêp này đang tập trung vào 4 nền tảng Chuyển đổi số quan trọng hỗ trợ khách hàng.

Liên tiếp 2 năm đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA), Công ty cổ phần MISA nổi tiếng với các nền tảng, giải pháp quản trị, kết nối, được nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tin dùng. Trước thềm VDA 2021, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA - về xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

PV: Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế đang nổi lên trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây. Bà đánh giá thế nào về quá trình CĐS của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong giai đoạn vừa qua? Bà nhận thấy những “điểm sáng” nào trong quá trình CĐS tại các doanh nghiệp?

bà Đinh Thị Thúy: Thời gian vừa qua, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được triển khai rất mạnh mẽ, bởi có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sự quyết liệt của Chính phủ. Điển hình, Quyết định 749 của Chính phủ ngày 3/6/2020 đã thể hiện rất rõ mục tiêu, lộ trình của chương trình Chuyển đổi số quốc gia cần đạt được đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các Hội, Hiệp hội đồng hành tham gia các chương trình CĐS, nhằm đạt được mục tiêu trong các lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

MISA và các doanh nghiệp công nghệ khác cũng nhận thấy quá trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy, khi Bộ TT&TT và Chính phủ ghi nhận những sản phẩm Make in Vietnam tham gia vào chương trình CĐS quốc gia. Thực tế, khi triển khai giải pháp CĐS cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy quá trình này đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Cụ thể, thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, các doanh nghiệp thụ hưởng giải pháp CĐS cũng đã có nhận thức, quyết tâm đưa nhiệm vụ CĐS vào chương trình hành động năm 2021.

Đối với Việt Nam và các nước trên thế giới trong năm 2020 và 2021, dịch COVID-2019 như một “cú hích” cho các doanh nghiệp thấy được nhu cầu và sự tất yếu của việc CĐS. Ngay cả trong bối cảnh giãn cách xã hội, họ đều có thể ứng dụng các giải pháp CĐS để có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp một cách liên tục và kịp thời hơn. Ví dụ, khi MISA cung cấp giải pháp CĐS, các doanh nghiệp đã đón nhận và sẵn sàng ứng dụng để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

PV: Được biết, MISA đã tham gia và đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 và 2020. Bà nhận thấy giải thưởng này có ảnh hưởng thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và MISA nói riêng?

bà Đinh Thị Thúy: Chúng tôi đánh giá rất cao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Đứng ở góc độ các doanh nghiệp có giải pháp tham gia giải thưởng như MISA, tôi thấy được có sự ghi nhận, đánh giá tính hiệu quả, hữu ích của các giải pháp chuyển đổi số. Đây cũng là một cơ hội để quảng bá, tuyên truyền đến các khách hàng doanh nghiệp.

Nhân viên của công ty MISA

Nhân viên của công ty MISA

Đứng ở góc độ doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng Giải thưởng là một điểm tốt để doanh nghiệp có cơ sở, căn cứ để yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn giải pháp CĐS cho mình. Đồng thời, doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả khi ứng dụng giải pháp CĐS trong công tác quản lý, điều hành.

PV: Bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch trong thời gian tới của MISA? Những sản phẩm nào Misa muốn phát triển hoặc nâng cao chất lượng từ những nền tảng đang có?

bà Đinh Thị Thúy: Hiện nay MISA đang tập trung vào 4 nền tảng CĐS quan trọng nhất. Thứ nhất là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA Amis. Đối với nền tảng này, chúng tôi đã kết nối các nghiệp vụ trong đơn vị, từ kế toán, bán hàng, nhân sự, quản trị trong doanh nghiệp cũng như quản lý công việc… Kết nối trong nội bộ sẽ tạo hiệu quả trong công việc quản lý điều hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nền tảng MISA Amis đã kết nối với các đơn vị bên ngoài như Tổng cục Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, ngân hàng để tạo ra nhiều tiện ích cho khách hàng.

Thứ hai, MISA phát triển các nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Các nền tảng này cũng đang được Bộ TT&TT đồng hành. Trong các chương trình năm 2021, MISA cam kết sẽ hỗ trợ cho 30.000 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập mà chưa có bộ máy kế toán được sử dụng miễn phí 1 năm phần mềm kế toán, thông qua các đơn vị làm dịch vụ kế toán khi tham gia MISA ASP. Nền tảng này giải quyết được rất nhiều bài toán cho xã hội, doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chưa có vốn đầu tư. Nền tảng này sẽ kết nối giữa các đơn vị làm dịch vụ kế toán với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán. Chúng tôi rất kỳ vọng đây là một trong số nền tảng góp phần thúc đẩy chương trình CĐS đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, MISA phát triển nền tảng về quản lý giáo dục, dành cho tất cả các trường, từ mầm non, Tiểu học đến THCS, THPT. Theo đó, có thể kết nối với các cơ quan quản lý giáo dục như Phòng Giáo dục Sở Giáo dục, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, nền tảng tạo kết nối giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường, hỗ trợ phụ huynh trong việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Thứ tư, với thế mạnh suốt 27 năm qua, MISA đã cung cấp 80% đơn vị cơ quan nhà nước sử dụng các phần mềm kế toán quản lý tài sản, quản lý cán bộ, tiền lương… MISA phát triển nền tảng quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov, giúp các ngành, địa phương có hệ thống kết nối dữ liệu với nhau, tạo ra báo cáo, cung cấp và các dữ liệu kịp thời cho lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị nhằm phục vụ công tác điều hành ngân sách tốt hơn.

Đó là 4 nền tảng MISA đang đầu tư và tập trung phát triển. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng mong muốn có được số lượng khách hàng từ các cơ quan nhà nước, các trường học, cơ quan quản lý giáo dục đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia vào nền tảng này. MISA cũng cam kết sẽ mang lại nhiều giá trị cho khách hàng khi đồng hành, sử dụng các giải pháp CĐS.

PV: Nhà nước hiện đang có một số chương trình thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ phát triển. Theo bà, Nhà nước cần có thêm những chính sách gì để doanh nghiệp nói chung và MISA nói riêng có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

bà Đinh Thị Thúy: Tôi nghĩ rằng, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, việc đưa ra sự quyết tâm, quyết liệt khi thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia qua những hành động cụ thể. Ví dụ, chương trình Make in Vietnam đã khuyến khích các doanh nghiệp Việt, với trí tuệ của người Việt để thiết kế, tạo ra sản phẩm giải quyết các bài toán của người Việt, doanh nghiệp Việt, các cơ quan nhà nước cũng như các hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam.

bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA

bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA

MISA cũng như các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số nói chung mong rằng có sự hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền, quảng bá các giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp có cơ sở để lựa chọn. Bên cạnh đó, nếu các quy định, chính sách đã ban hành còn tồn tại vướng mắc khó khăn, chúng tôi mong rằng sẽ có sự giải quyết nhanh chóng, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Từ đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp yên tâm để phát triển, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số.