Xây dựng Thành phố thông minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

VietTimes -- Xây dựng đô thị thông minh là lựa chọn tất yếu trong bối cảnh nhiều thách thức xuất phát từ việc bùng nổ đô thị hóa trên toàn quốc. Việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh sẽ kiểm soát được các tác động về môi trường giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.
Kiên Giang đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng Phú Quốc trở thành 'thành phố thông minh'. Ảnh minh họa: Báo Kiên Giang
Nhận định trên được nêu lên tại Hội thảo "Các Thành phố thông minh" diễn ra sáng 27/9. Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện cao cấp về các chủ đề nổi bật tại Việt Nam, được khởi xướng và đồng tổ chức bởi Bộ Công thương, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và công ty Siemens.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sinh sống tại các đô thị và mỗi năm có thêm hàng triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị. Theo dự đoán gần đây nhất của Liên Hiệp quốc, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sinh sống tại khu vực thành thị vào năm 2050.

Tất nhiên, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố cũng đặt ra những thách thức to lớn về mặt cơ sở hạ tầng để đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho cư dân thành thị. Đồng thời các nhà quản lý và hoạch định chính sách đô thị cũng phải đảm bảo các đô thị lớn sẽ luôn giữ vững lợi thế cạnh tranh về mặt kinh tế cũng như các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách có trách nhiệm.

Không nằm ngoài xu thế trên của Thế giới, Việt Nam hiện cũng đang đối diện với nhiều thách thức xuất phát từ việc bùng nổ đô thị hóa trên toàn quốc, trong đó đặc biệt là tình trạng cơ sở hạ tầng quá tải, mà đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương cho biết, giải pháp hữu hiệu nhất và là giải pháp tất yếu để giải quyết tình trạng trên hiện nay là xây dựng đô thị thông minh: Việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động về môi trường, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.
Phát biểu tại hội thảo, ngài Joerg Rueger-Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội chia sẻ: "Kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức mà chúng ta đang sống và làm việc tại các đô thị. Thành phố thông minh không phải đích đến cuối cùng, thực chất là nó được xây dựng nhằm mục đích phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường".
Ông Joerg Rueger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Thái Lai - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với thành phố để đảm bảo rằng công nghệ số sẽ được tích hợp vào từ giai đoạn quy hoạch, do vậy có thể phát huy lợi ích tức thì thông qua việc giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường cung cấp điện ổn định."

"Chúng tôi rất tự hào và phấn khởi khi có thể giúp các thành phố của Việt Nam trở nên thông minh hơn, từ đó trở thành những nơi đáng sống hơn và bền vững hơn," vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Hội thảo cũng là cơ hội quý giá để các bên cùng trao đổi, thảo luận và tìm ra những hướng đi, những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam trên con đường xây dựng các đô thị thông minh và bền vững.