|
Ảnh minh họa |
Những kết quả khảo sát về cảm nhận và mức độ hài lòng của người dân đối với Nhà nước và thị trường (CAMS 2014) do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy bức tranh “lòng tin” của người dân không thật sáng sủa.
Chính quyền hài lòng, người dân bi quan
Cuộc khảo sát CAMS 2014 được thực hiện trên 4.000 đối tượng được khảo sát, lấy ý kiến. Trong nhóm đối tượng được khảo sát có các nhóm: người dân, doanh nghiệp dân doanh; nhóm các sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI; nhóm các bộ, công chức các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan Quốc hội...
Kết quả khảo sát về tốc độ cải cách kinh tế cho thấy, nhiều người dân chưa hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay và những thay đổi, cải cách trong thời gian qua của Nhà nước. Chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi đó có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm.
|
Xăng dầu, điện độc quyền cao nên dù Nhà nước ra tay bình ổn giá, người dân vẫn không yên tâm |
“Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn tiếp tục, song tốc độ thực tế chậm hơn so với kỳ vọng”- ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh trong bài phát biểu khái quát về kết quả khảo sát CAMS 2014.
Nhưng điều khiến Trưởng ban Pháp chế VCCI tỏ ra quan ngại là tỷ lệ hài lòng của người dân với nền kinh tế hiện nay đã giảm đi đáng kể, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi chỉ đạt 19%.
“Người dân dường như chưa hài lòng nhiều đối với tình hình hiện tại và sự thay đổi trong thời gian vừa qua. Dù quá nửa số người tham gia điều tra vẫn có niềm tin ở tương lai, song tỷ lệ niềm trong trong CAMS 2014 đã giảm so với CAMS 2011. Nhóm đối tượng là cán bộ, công chức làm việc cho chính quyền địa phương, Quốc hội... thì cơ bản là hài lòng. Nhóm tổ chức quốc tế, báo chí, FDI … bi quan hơn”- ông Tuấn nhận xét.
Đánh giá về hiện trạng thi hành chính sách và mức độ minh bạch của chính sách, chỉ có 14% người được hỏi cho là có sự minh bạch. Trong đó, nhóm đối tượng DN FDI, tổ chức quốc tế, chỉ có 3 - 4% người được hỏi cho là có sự minh bạch. Đồng thời, có tới 47% người dân cũng bày tỏ sự bức xúc trước khoảng cách giàu – nghèo đang tăng lên ở Việt Nam.
Đáng lưu ý, dù Việt Nam liên tục yêu cầu các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng kết quả khảo sát CAMS 2014 lại cho thấy, chính bản thân người Việt cũng phân vân nền kinh tế có phải kinh tế thị trường không. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường, thì cũng có 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế Nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn lý giải, chứng tỏ trên thực tế hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Nền kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ trong khi nền kinh tế Nhà nước còn ảnh hưởng rất lớn. “Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế “lưỡng thể”, ông Tuấn nói.
Tình trạng “lưỡng thể trong nền kinh tế còn cao với sự hiện diện của cả nhân tố Nhà nước và thị trường. Điều này thể hiện ở việc không có sự khác biệt đáng kể và rõ ràng trong đánh giá của người dân về tính chất Nhà nước hay thị trường của nền kinh tế.
Bình luận về sự “lưỡng thể” của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói thẳng, “kinh tế “lưỡng thể” thể hiện sự không bình thường ở chỗ, Nhà nước đang “tước” đi một số quyền của thị trường”.
Dân chưa hưởng lợi từ bình ổn giá
Khảo sát CAMS 2014 chọn ra 8 mặt hàng thiết yếu phổ biến đối với người dân để đánh giá hiệu quả bình ổn giá. Tiêu chí đầu tiên đánh giá hiệu quả là việc người dân được hưởng lợi đến đâu từ việc Nhà nước can thiệp về giá đối với 8 loại hàng hóa thiết yếu. Nước sạch – mặt hàng nhiều người trả lời cho biết có được hưởng lợi cũng không vượt quá 20%. Xăng dầu, gas, sữa cũng có chưa đến 10% số người trả lời cho biết có được hưởng lợi rất nhiều/tương đối nhiều.
Trong 8 loại hàng hóa thiết yếu, xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỷ lệ người trả lời cho biết ít/không hưởng lợi là cao nhất – chiếm 66%. Tiếp đến là sữa 60%, gas 59%, điện 58%, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thiết yếu 55%.... Dù có sự can thiệp của Nhà nước nhưng tỷ lệ người dân cho biết được hưởng lợi vẫn thấp.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính), sự “mâu thuẫn” trong mong muốn của người dân là điều dễ hiểu. Ông Độ dẫn dụ, mặt hàng xăng dầu, điện… độc quyền cao làm người dân ít tin tưởng vào thị trường, dù nghĩ kinh tế thị trường là ưu việt.
“Cách giải quyết của Nhà nước lại mang tính hành chính, chẳng hạn việc điều hành giá xăng dầu, giá điện lại không đúng theo quy luật thị trường” – ông Độ nói và đề xuất, Nhà nước nên thiết lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch các loại chi phí cấu thành giá cả, đó mới là cách lâu dài.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì tỏ ra bi quan, “trước sức ép thu ngân sách các cơ quan Nhà nước đang “đẻ” ra nhiều các khoản thu, tận thu từ người dân, hơn là tiết kiệm chi tiêu ngay trong chính bộ máy của mình”.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Đặng Thị Phương Dung – Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thừa nhận, ngành dệt may đang phải chịu “nút thắt ở khúc giữa”. Trong khi các DN thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác được hưởng sự ưu đãi của Nhà nước, thì ngành dệt may gần như không nhận được sự hỗ trợ nào, do đó DN ngành dệt may hầu hết là … tự bơi.
“Trong quá trình xây dựng pháp luật, các DN cũng đóng góp nhiều ý kiến nhưng những ý kiến này có được tiếp nhận hay không lại là chuyện khác. Nên mỗi lần chính sách Nhà nước thay đổi là mỗi lần DN chóng mặt, hồi hộp ” – Tổng thư ký Vitas chia sẻ.
Chính lo lắng không thể “trụ nổi” trước sức ép cạnh tranh của “anh bạn láng giềng Trung Quốc” ngay trên sân nhà nếu cứ mãi gia công, DN dệt may đành chuyển hướng xuất khẩu. Và với hướng chuyển này, bà Dung cho biết, các DN dệt may hoàn toàn chủ động trong môi trường kinh tế thị trường.
Theo Infonet