|
Bác sĩ đo thân nhiệt cho bệnh nhân. Ảnh: The Straitstimes |
Theo WHO, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm Việt Nam đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi gồm: giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ,… theo yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) năm 2005.
WHO khẳng định: Ngay khi phát hiện các ca nghi ngờ mắc Covid-19, Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh việc thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
WHO dự báo thời gian tới sẽ có thêm các trường hợp mắc Covid-19. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Từ đó phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO.
Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh Covid-19 nhưng việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine đang được nghiên cứu để thử nghiệm lâm sàng.