|
ảnh minh họa (The Verge) |
Theo Sky News, trích dẫn từ một nguồn tin nặc danh, dịch vụ nhắn tin WhatsApp đã từ chối cấp quyền truy cập các tin nhắn mã hóa của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Anh. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Anh cố gắng truy cập tin nhắn được gửi trên nền tảng này. Vào tháng 3 vừa rồi sau khi xảy ra vụ khủng bố nguy hiểm bên ngoài Cung điện Westminster (tức tòa nhà Nghị viện Anh), trên danh nghĩa phục vụ mục đích điều tra, chính phủ nước này đã gây sức ép buộc WhatsApp cấp quyền cho các điều tra viên đọc được những thông điệp đã mã hóa của người dùng. Theo Sky News có đến 80% các cuộc điều tra về khủng bố và vụ án nghiêm trọng ít nhiều đều liên quan đến tin nhắn mã hóa.
"Vấn đề đáng được quan tâm thời điểm này là phải nắm được cách truy cập thông tin liên lạc giữa bọn khủng bố nguy hiểm - nếu không vô hình chung chúng ta đang tạo không gian bí mật để chúng có thể liên lạc với nhau đồng thời cung cấp lỗ đen cho các điều tra viên". Những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đều sử dụng các ứng dụng mã hóa như WhatsApp và Telegram để liên lạc với nhau và việc cảnh sát và các cơ quan an ninh không thể "bẻ khóa" những dịch vụ như WhatsApp là "hoàn toàn không chấp nhận được" theo Amber Rudd, thư ký của Anh.
Các quan chức trách tình báo Anh tin rằng việc đạt được một thỏa hiệp với các công ty công nghệ này là hoàn toàn có thể và đòi xác lập quyền truy cập vào những ứng dụng nhắn tin mã hóa. Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu đã phản đối mạnh mẽ việc xây dựng backdoor cho các cơ quan chính phủ bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của dịch vụ. Do đó, thỏa hiệp này xem chừng sẽ còn là một ẩn số.
Trong một tuyên bố đăng trên website chính, WhatsApp nói rằng “chúng tôi cần xem xét cẩn trọng trước khi đáp ứng với yêu cầu thực thi pháp luật trên cơ sở luật pháp và các chính sách hiện hành, trong đó ưu tiên đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp”. Các ứng dụng như WhatsApp đang chuyển sang sử dụng mã hóa đầu cuối thông báo thông qua một mã code. Vì vậy, WhatsApp chỉ có thể kiểm soát được các dữ liệu như tên tài khoản và địa chỉ email, tuy nhiên lại không thể nhìn thấy các tin nhắn thực sự được gửi đi.
Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến vấn đề mà Apple gặp phải năm ngoái. Apple đã phải hầu tòa vì nhất quyết chống lại một yêu cầu của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc chỉnh sửa hệ điều hành iOS, cho phép cơ quan điều tra xâm nhập vào bên trong chiếc iPhone đã mã hóa của một trong những kẻ xả súng thảm sát tại thành phố San Bernardino, California, Mỹ vào tháng 12/2015. Thái độ "ngang bướng" của Táo khuyết trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, bất chấp sức ép của chính phủ Mỹ và các điều tra viên, đã nhận được sự ủng hộ của các hãng công nghệ có tên tuổi khác.
Nhiều chuyên gia giới công nghệ đã chỉ ra rằng việc tạo ra một backdoor để phục vụ mục đích điều tra của chính phủ nào cũng tạo ra nhiều vấn đề khó lường trước được. Trước đó, ông chủ Apple – Tim Cook cũng nhấn mạnh rằng mã hóa kém sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến riêng tư của người dùng, trong khi những kẻ khủng bố sẽ tìm cách thức giao tiếp mới.