Wework dừng IPO, những cuộc dạo chơi với “bầy cừu” sẽ chấm dứt?

VietTimes -- Cú ngã ngựa của Wework như một "cái tát" cực mạnh lên thị trường đầu tư - vốn đang quá hào hứng với làn sóng "startup kỳ lân" (những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) đang mọc lên như nấm sau mưa. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo thống kê, tại Mỹ, trong năm 2018 có đến 53 startup trở thành "kỳ lân". Ở Trung Quốc, con số này lên đến 97 startup, tức là, cứ trung bình 3,8 ngày là có 1 startup trở thành "kỳ lân". Vậy ai là người rót tiền để tạo ra các "kỳ lân" này nhanh và nhiều đến thế?

Câu trả lời đó là các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) hay các quỹ Private Equity (quỹ đầu tư tư nhân, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp không niêm yết). Mục tiêu hàng đầu của các quỹ này khi tham gia vào các startup là lợi nhuận. Vì đơn giản họ là quỹ đầu tư, mà đã là đầu tư thì phải có lợi nhuận.

Vậy làm thế nào để các quỹ này kiếm được lợi nhuận từ các startup?

Có 2 chiến lược (được gọi là Exit Strategy) phổ biến: (1) bán lại cổ phần cho một quỹ đầu tư hoặc công ty khác, (2) thực hiện IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) công ty và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để thu tiền về.

Hầu hết các quỹ đầu tư này đều có vòng đời chỉ khoảng 10 năm, tức là sau 10 năm họ phải tất toán danh mục để trả lại tiền cho nhà đầu tư ban đầu. Chính vì thời gian giới hạn như vậy nên các quỹ này thường có xu hướng làm thế nào để “thoát” (Exit) càng nhanh càng tốt. 

Thế nên sau khi tham gia vào các công ty, họ thường cố gắng làm đẹp sổ sách, marketing mạnh mẽ nhằm tăng trưởng ngắn hạn, để sau đó có thể tăng định giá và tiến hành thoái vốn, kiếm lời.

Chiến lược này đã rất phổ biến trong giai đoạn 2000-2008. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị lên án một cách mạnh mẽ, vì bị cáo buộc hút máu thị trường, tạo ra những công ty với tăng trưởng ngắn hạn để rồi sau đó sụp đổ vì không hướng đến dài hạn, bền vững. 

Vì bị phản đối rất dữ dội như vậy nên các quỹ đầu tư này cũng buộc phải thay đổi chiến thuật của mình.

Một số xoa dịu bằng cách thuê các chuyên gia, tiến hành cố vấn cho các công ty, nhằm thể hiện họ cũng muốn đi cùng các công ty trong hành trình lâu dài. Một số lại nghĩ ra một chiến thuật khác, mạnh mẽ và cũng nhanh chóng không kém để kiếm lời, đó là chịu thua lỗ để chiếm lĩnh thị trường.

Một công ty có thể được định giá bằng lợi nhuận, nhưng cũng có thể được định giá bằng tiềm năng cũng như thị phần (Market share) trong thị trường. Hiểu được điều này, họ tiến hành chiến lược chấp nhận thua lỗ để chiếm lĩnh thị phần, khi thị phần tăng lên, cũng đồng nghĩa giá trị công ty cũng sẽ tăng theo.

Lúc này các quỹ đầu tư có thể tiến hành “thoát” bằng cách IPO, bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán - thường được so sánh với “bầy cừu” vì thiếu thông tin, cũng như thiếu hiểu biết tình hình nội bộ trong các công ty. Đây là một cách làm rất thông minh, hiệu quả và nhanh chóng để kiếm lời.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vậy những người mua cuối cùng (những chú cừu kia) sẽ ra sao?

Dĩ nhiên họ sẽ là những người hứng chịu thua lỗ nặng nề nhất vì những con số không tưởng được đưa ra. Chúng ta hãy cùng xem xét một vài trường hợp sau đây:

- Groupon, một "kỳ lân" được IPO vào năm 2011 với mức định giá 13 tỷ USD, là startup được định giá cao nhất sau Google kể từ 2004. Từ thời điểm IPO đến nay, giá cổ phiếu của Groupon giảm từ 28 USD xuống còn 2.6 USD/cổ phiếu, tương đương giá trị công ty sụt giảm trên 90%.

- Snapchat, được IPO vào tháng 3 năm 2017 với mức định giá 30 tỷ USD, giá cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm từ 27 USD xuống còn 15 USD/cổ phiếu, đồng nghĩa cuốn bay 40% giá trị công ty.

- Spotify, IPO vào tháng 4 năm 2018, cho đến nay đã sụt giảm 25% giá trị.

Các startup được IPO trong năm 2019 cũng không khá hơn.

Được IPO vào tháng 5/2019 với mức định giá 82 tỷ USD, Uber đã sụt giảm 30% giá trị trong vòng 4 tháng. Lyft, một startup kỳ lân được IPO vào tháng 3/2019, đã sụt giảm 50% giá trị. Tương tự, Slack, một startup kỳ lân khác được IPO vào tháng 6/2019 với mức định giá 19 tỷ USD, đã sụt giảm 38% trong vòng 3 tháng.

Vậy bầy cừu có chịu bị "vặt lông" mãi?

Câu trả lời là “Không”. "Bầy cừu" cũng sẽ thông minh lên và không chịu để bị "vặt lông" nữa. Sự thận trọng của các nhà đầu tư với mức định giá 47 tỷ USD dành cho một startup đang thua lỗ nặng nề như Wework đã khiến công ty này phải dừng kế hoạch thực hiện IPO.

Và có lẽ từ nay, các quỹ đầu tư cũng sẽ phải xem xét lại chiến thuật của mình. Một công ty không thể định giá bằng tăng trưởng doanh thu hay thị phần, mà cần phải được định giá bằng lợi nhuận, bằng tiền lãi. Không thể cứ hi vọng "bầy cừu" sẽ ngu ngơ mãi để muốn “dắt đi đâu thì dắt”.

Cuộc dạo chơi với bầy cừu có lẽ sẽ phải kết thúc từ đây./.

(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)