Từ việc GIC rót nửa tỷ USD vào Vinmart và Vinmart+:

Vốn ngoại đang “nắm dòng” từ startup sang các công ty tiêu dùng?

VietTimes -- GIC mới đây đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ (VCM), một công ty con của Vingroup. Một số nhà quan sát nhận định rằng, đằng sau động thái này là một xu hướng dịch chuyển dịch mới, trong đó các nhà đầu tư tập trung hơn vào các công ty tiêu dùng thay vì các startup.
GIC mới đây đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào VCM, một công ty con của Vingroup
GIC mới đây đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào VCM, một công ty con của Vingroup

Trong một tín hiệu khác cho thấy các nhà đầu tư đang giảm bớt sự tập trung vào lĩnh vực công nghệ, quỹ đầu tư lâu đời nhất ở Việt Nam đang tránh xa các startup ngay tại thị trường đầu tư năng động nhất châu Á và thay vào đó đặt cược nhiều hơn vào các công ty liên quan tới tiêu dùng.

Việt Nam đang chứng kiến một bước nhảy vọt trong các thỏa thuận đầu tư trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các khoản đầu tư cổ phần tư nhân đã tăng tới mức kỷ lục 1,6 tỷ USD trong năm 2018 từ mức 418 triệu USD trong năm trước đó.

Thế nhưng, Mekong Capital - thành lập năm 2001 và quản lý danh mục tài sản trị giá 112 triệu USD - vẫn tỏ ra khá thận trọng và có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư cho ngành công nghiệp truyền thống thay vì các startup công nghệ.

"Một số mô hình doanh nghiệp (công nghệ) không có hiệu quả" - Chris Freund, một đối tác tại Mekong Capital nói và cảnh báo rằng khu vực này đang hình thành "bong bóng". Một trong những ví dụ điển hình là các startup giao đồ ăn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những siêu ứng dụng như Grab - dù cho hãng này cũng bị nhiều người cho là đang thua lỗ.

"Tôi không thể thấy được tiềm năng sinh lợi nhuận của họ...Nếu như nguồn vốn mạo hiểm cạn kiệt, cả ngành công nghiệp này sẽ sụp đổ".

Ong Freund đã tham gia khởi động hoạt động của hãng đầu tư Templeton Asset Management tại Việt Nam từ những năm 1990, trước khi thành lập Mekong Capital. Hiện tại, Mekong Capital đang hy vọng sẽ huy động được 200 triệu USD vào đầu năm tới, giúp họ thực hiện các giao dịch trị giá 20 triệu USD trở lên với các nhà bán lẻ địa phương và các công ty tập trung vào tiêu dùng khác. Con số 20 triệu USD nhiều hơn đáng kể so với mức đầu tư trung bình 11 triệu USD cho mỗi giao dịch hiện tại.

"Có rất nhiều giao dịch lớn hơn mà chúng tôi chưa thể thực hiện trong quá khứ" - Freund nói - "Chúng tôi vẫn nhỏ hơn so với các quỹ trong khu vực, nhưng vẫn có vô số giao dịch trong khoảng 15-20 triệu USD".

Mekong ban đầu tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công ty sản xuất, nhưng hiện tại lại tập trung vào các công ty tiêu dùng, dựa trên 14 tiêu chí khác nhau trong đó bao gồm cách quản trị doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp.

Ông Freund cho hay ông không muốn chuyển hướng tập trung của Mekong trở lại các công ty sản xuất, dù Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng các công ty hướng ngoài chuyển dịch dây chuyền sản xuất về Việt Nam, do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Các cơ hội đầu tư tốt rất hiếm thấy bởi các công ty sản xuất ở Việt Nam không đủ giá trị thương hiệu cũng như công nghệ tiên tiến để cạnh tranh với các công ty nước ngoài - theo ông Freund.

Thương vụ sinh lời nhất từ trước đến nay của Mekong chính là khoản đầu tư 3,5 triệu USD cho hãng bán lẻ MobileWorld năm 2007. Các thương vụ khác thì không mang lại nhiều lợi nhuận.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại làm phát sinh nhu cầu về cải thiện phân phối, và đây cũng là một luồng sinh lực mới cho các công ty logistic của Mekong - hiện đang tích cực tăng số lượng xe vận chuyển.

Ông Freund cho rằng thị trường cổ phần tư nhân Việt Nam vẫn còn quá nhỏ để thu hút các công ty lớn như Carlyle hay KKR. Nhưng cuộc cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng nhiệt.

GIC, một quỹ đầu tư của Singapore, hồi năm ngoái đã đầu tư 853 triệu USD vào nhánh bất động sản của Vingroup và mới đây còn công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ (VCM), một công ty con của Vingroup, mới thành lập hồi tháng 8/2019 - bên sở hữu Vinmart và Vinmart+. Công ty cổ phần tư nhân Mỹ Warburg Pincus cũng được cho là đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty fintech Momo trong năm nay.

Xu hướng này sẽ sớm thể hiện rõ ràng hơn nếu danh mục đầu tư và chiến lược đầu tư của Mekong Capital sớm có hiệu quả trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

(Theo Nikkei Asian Review)