Số ca nhập viện cao hơn xuất viện
Trả lời về cơ sở để TP.HCM vừa cho phép rồi lại quyết định tạm ngừng hoạt động karaoke, vũ trường, massage, spa... Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết: “Quan điểm của TP là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân; người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Do vậy, tất cả những chính sách TP đưa ra đều nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta đang sống, làm việc trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Với nguyên tắc là “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, TP chỉ thực sự mở khi chúng ta an toàn an toàn”.
Tại Quyết định 3900/QĐ-UBND, TP đã tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp được hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong những ngày qua, UBND TP đã quyết định tạm dừng đối với các hoạt động trên.
Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng lý giải cụ thể, trên thực tế số ca mắc mới ở địa bàn TP.HCM còn cao, có ngày 1.000, 1.200… thậm chí là hơn 1.400 ca mắc. Số bệnh nhân trở nặng đang thở máy còn cao và ngày càng tăng (ngày 14/11 là 258 ca, 15/11 có 274 ca,… 17/11 lên đến 302 ca).
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết gần đây, số ca nhập viện vì COVID-19 luôn cao hơn số ca xuất viện |
Khác với đầu tháng 10, những ngày gần gần đây, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Đồng thời, số ca tử vong vẫn chưa giảm và thậm chí còn tăng. Những con số này là đáng lo ngại, do đó, UBND TP đã quyết định tạm dừng một số hoạt động.
Trên thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều người thực hiện chưa nghiêm 5K, ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập, không giữ khoảng cách, việc khử trùng cũng ít đơn vị thực hiện tốt. Những điều này khiến TP lo lắng và đưa ra các giải pháp phù hợp.
“TP kính mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm và đồng thuận với những quyết định hết sức khó khăn này. Tất cả đều nhằm mục đích chung là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân và bảo vệ thành quả phòng chống dịch của TP”, ông Phạm Đức Hải chia sẻ.
Không có chủ trương cho F0 đi lại tự do
Trả lời báo chí về ngưỡng F0 mà TP.HCM có thể tiếp nhận, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, qua tính toán sơ bộ, hiện lực lượng y tế cần thiết của TP.HCM bao gồm hơn 9.100 bác sĩ, và trên 19.600 điều dưỡng. Đối tượng này đã có nhiều kinh nghiệm trong đợt dịch 4 vừa qua, có thể đáp ứng kịp thời khi số ca bệnh tăng nhanh. Với số lượng nhân sự, bình oxy, số giường bệnh,… hiện có, TP.HCM có thể tiếp nhận điều trị 120.000 F0 trong cùng một thời điểm.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm |
Thông tin về đội đặc nhiệm HCDC, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho hay, đây là một mô hình mới, kế thừa và nâng cấp từ một số tổ chức chống dịch trước đây. Đội đặc nhiệm được giao bám sát thông tin, tình hình dịch bệnh và quá trình kiểm soát dịch của TP Thủ Đức và 22 quận, huyện. Từ đó hỗ trợ, phân tích tình hình phòng, chống dịch, đề xuất những phương án để các địa phương điều chỉnh kịp thời.
“Tuy hoạt động trong thời gian ngắn nhưng mô hình trên đã được một số quận huyện đánh giá cao và có nhận xét tích cực” – BS Nguyễn Hồng Tâm nói.
BS Nguyễn Hồng Tâm khẳng định việc một số nơi có tình trạng xuất hiện một số F0 đi lại tự do trong thời gian gần đây nhưng cho F0 đi lại như thế không phải là chủ trương của ngành y tế TP.HCM. Ông Tâm trả lời, F0 và những người F1 sống cùng nhà sẽ phải cách ly đủ 14 ngày.
Về công tác đảm bảo an toàn cho buổi Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, đại diện Công an TP thông tin, ngay sau khi UBND TP.HCM có thông báo và kế hoạch về việc tổ chức Lễ, Công an TP đã có văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ ở các địa phương để xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể về đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo ATGT cũng như công tác PCCC.