Vụ tàu cá vỏ thép kém chất lượng: Cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm chính

VietTimes -- “Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đăng kiểm. Ngư dân không thể giám sát chất lượng tàu, họ chỉ mua về sử dụng. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm chính”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

 

Tàu cá vỏ thép QNa 94679TS của ngư dân Trần Văn Liên phải nằm bờ hơn 1 năm nay vì hư hỏng máy. Ảnh: Xuân Mai
Tàu cá vỏ thép QNa 94679TS của ngư dân Trần Văn Liên phải nằm bờ hơn 1 năm nay vì hư hỏng máy. Ảnh: Xuân Mai
Sáng 1/8 tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Hỗ trợ ngư dân đóng mới hàng nghìn tàu

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị cho hay, tính đến ngày 30/6/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với 31/12/2016.

Với nguồn vốn này, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân hồ sơ vay vốn lưu động cho 267 lượt khách hàng.

Một chính sách hỗ trợ rất quan trọng nữa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển là bảo hiểm cho thân tàu, ngư lưới cụ.

Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thực hiện Nghị định 67, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác như chính sách hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên; chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa...

Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên –Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ 3.740 chuyến biển với số tiền là 155,540 tỷ đồng cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; tính đến năm 2016 số tổ, đội tàu cá là 4.526 (trong đó, số tàu dịch vụ hậu cần tham gia tổ, đội là 258 tàu).

40 tàu đóng mới hư hỏng nặng: sửa trước, xử lý trách nhiệm sau
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu ra những vẫn đề tồn tại khi thực hiện nghị định, nhất là những vấn đề liên quan đến chất lượng tàu vỏ thép như các ngư dân đã phản ánh trong thời gian qua.
Cụ thể là, có tới 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (02 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản), ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước và đời sống của ngư dân. 
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân là do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. Đồng thời, tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.

"Quan điểm xử lý của bộ là buộc các cơ sở đóng tàu phải có biện pháp khắc phục. Ưu tiên trước tiên là sữa chữa, khắc phục hư hỏng để sớm có tàu cho ngư dân ra ngơi. Sau đó kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân”, ông Tám khẳng định.

Được biết, các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động.

Tàu kém chất lượng, người đóng chịu trách nhiệm

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những thành tích của các bộ, ban, ngành khi thực hiện Nghị định 67: “Với những kết quả thu được nêu trên, có thể khẳng định việc ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chủ trương lớn mang tính đột phá, đồng bộ, trúng và đúng với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các mục tiêu chiến lược của Nghị định 67 đã được triển khai có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng phê bình việc các tàu cá của Nghị định 67 tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ bị hư hỏng do chất lượng kém.

Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này như công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế, từ khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; công tác giám sát thẩm định còn thiếu chặt chẽ trong tất cả các khâu; công tác đăng kiểm còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, trách nhiệm chính phải thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu.

Do đó, các doanh nghiệp đóng tàu phải nghiêm túc tuân thủ quy định, quy trình, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Yêu cầu đặt ra là chất lượng tàu đóng cho ngư dân phải được bảo đảm, đồng bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng mới, cải tạo tàu cá; chấn chỉnh công tác đăng kiểm.