Vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo: Ai phải chịu trách nhiệm?

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong quá trình sử dụng, cả đơn vị đang sử dụng ngôi nhà 107 đường Trần Hưng Đạo cũng như đơn vị sở hữu không nhận thấy dấu hiệu mất an toàn? Và giờ ai sẽ là người cuối cùng chịu trách nhiệm về sự cố này?
Các cơ quan chức năng đang truy cứu trách nhiệm vụ sập biệt thự cổ
Các cơ quan chức năng đang truy cứu trách nhiệm vụ sập biệt thự cổ

Chiều 23/9, theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố sập khu nhà 107 đường Trần Hưng Đạo khiến 2 người tử vong và 5 trường hợp bị thương (hiện còn 3 người nằm viện). Nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực. 

Thế nhưng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong quá trình sử dụng, cả đơn vị đang sử dụng ngôi nhà cũng như đơn vị sở hữu không nhận thấy dấu hiệu mất an toàn? Và giờ ai sẽ là người cuối cùng chịu trách nhiệm về sự cố này?

Từng muốn phá bỏ ngôi nhà nhưng vì vướng cơ chế

Khu nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Sau khi được thành lập (ngày 6/4/1955), Tổng cục Đường sắt (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) có ký hợp đồng thuê nhà, đất tại 107 - Trần Hưng Đạo với Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội và đóng tiền thuê nhà đều đặn, cho đến tháng 11/1985 thì chuyển thành tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt. 

Đến năm 2000, căn cứ thông báo thu tiền sử dụng đất của Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục nộp tiền thuê sử dụng khu đất 107 - Trần Hưng Đạo cho đến nay với số tiền trung bình khoảng gần 200 triệu/năm. 

Từ năm 2008, nhận thấy thời gian xây dựng ngôi nhà đã lâu, toàn bộ khu nhà đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần cải tạo, sửa chữa khu nhà như chống sập sàn tầng 1 trần tầng 2 nhà hội trường, thay thế toàn bộ cửa tầng 2 nhà hội trường; thay thế toàn bộ mái nhà hội trường và nhà phụ; xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm…

Vụ sập biệt thự cổ đã đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý.
Vụ sập biệt thự cổ đã đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý.

Cũng trong năm này, theo nghị quyết của Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Đường sắt, khu đất 107 - Trần Hưng Đạo sẽ được quy hoạch, xây dựng trụ sở của tổng công ty. Đơn vị cũng có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội tạo điều kiện để tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất cho việc lập dự án để xây dựng nhà điều hành sản xuất của tổng công ty theo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành GTVT đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có công văn gửi lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội… Nhưng sau đó, Hà Nội chỉ đồng ý về mặt chủ trương phê duyệt cho dự án ở 31 Láng Hạ xây dựng văn phòng, nhà ở. Còn tại Trần Hưng Đạo thì liên quan đến thủ tục pháp lý đất và tòa nhà, vì tòa nhà này nằm trong quyết định bảo tồn biệt thự cổ, nên Hà Nội vẫn chưa có hồi âm cụ thể.

Khu nhà chưa một lần được kiểm định an toàn

Được biết, khu đất nói trên có diện tích 2.800,4m², gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng là 2.669m². 

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tòa nhà đã 3 lần sửa chữa, lần gần nhất năm 2010 tu bổ chống dột và dùng vật liệu nhẹ ngăn phòng hội trường chứ không thể cải tạo thay đổi kết cấu.

“Ngành đường sắt thấy căn nhà 107 không thể sử dụng lâu dài nhưng cũng chưa từng thuê đơn vị nào kiểm định về đảm bảo an toàn nhà. Trong quá trình sử dụng không phát hiện nguy cơ mất an toàn. Chỉ trước 5 phút tòa nhà sập, cán bộ công nhân viên mới thấy rung, nghiêng và hô hào mọi người tháo chạy. Thời gian nhà sập xuống là quá nhanh”, ông Hoạch thông tin thêm. 

Đặt câu hỏi, trong quá trình làm việc có phát hiện nguy cơ về đổ sập của căn nhà, ông Hoạch thẳng thắn nói: “Chúng tôi không thấy nguy cơ khẩn cấp về đổ sập. Về lâu dài, VNR thấy rằng không thể sử dụng được do nguy cơ xuống cấp của căn nhà”.

Đề cập đến trách nhiệm của đường sắt trong việc sử dụng ngôi nhà này, ông Hoạch khẳng định, VNR đã báo cáo với thành phố sự xuống cấp của ngôi nhà. Đường sắt chưa có quyền sở hữu ngôi nhà đó bởi hiện không có giấy tờ gì về ngôi nhà. Sở hữu tòa biệt thự cổ này thuộc Hà Nội, còn đường sắt được sử dụng. Được biết, sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội đã nhận trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân ở đây.

Theo CAND