|
Thiết bị xét nghiệm Real-time PCR tự động xét nghiệm COVID-19 được Sở Y tế Quảng Nam mua với giá 7,23 tỷ đồng |
Sau những diễn biến liên quan đến việc mua sắm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Quảng Nam, đặc biệt là các vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung cuộc họp giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với các cơ quan liên quan diễn ra hôm 29/4 dần được hé mở, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng).
+ PV: Như luật sư đã biết, việc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam mua sắm thiết bị Real-time PCR để xét nghiệm COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là mức giá mua thiết bị này lên đến 7,23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hình thức mua sắm là chỉ định thầu. Theo luật sư, liệu những lập luận của Sở Y tế Quảng Nam tại cuộc họp diễn ra chiều 29/4 có phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành?
- Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo quy định tại Điều 22 Luật đấu thầu, gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách là gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định đầu. Gói thầu này được thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn, theo đó cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu sau khi đáp ứng đủ các thủ tục luật định.
Như vậy, trong trường hợp Sở Y tế Quảng Nam có đủ căn cứ cho rằng COVID -19 là dịch bệnh cấp bách, thì lập luận của Sở Y tế Quảng Nam là có cơ sở pháp lý. Giá của thiết bị là một trong những nội dung của hợp đồng được ký kết giữa nhà thầu và cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu. Hợp đồng này là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc chỉ định thầu.
|
Luật sư Ths.Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
|
+ PV: Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khẳng định đã thực hiện đúng các quy trình mua sắm thiết bị, từ khảo sát giá (lấy báo giá đến từ 3 nhà cung cấp khác nhau), lựa chọn nhà thầu có giá thấp nhất, thực hiện theo chủ trương mua sắm do UBND tỉnh phê duyệt… Vậy Sở Y tế có vô can nếu có sai phạm liên quan đến việc mua sắm này?
- Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Trong trường hợp nếu có sai phạm xảy ra, thì sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, trách nhiệm thuộc về ai, về cơ quan nào thì người đó, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nếu kết luận điều tra cho thấy Sở Y tế, hoặc người có thẩm quyền của cơ quan này có sai phạm trong việc mua sắm thiết bị, thì phải chịu trách nhiệm pháp luật do sai phạm của mình gây ra.
+ PV: Sau khi nhà thầu cung cấp là Công ty CP Giải Pháp Việt chủ động giảm giá còn 4,85 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế đã đề nghị nhà thầu nên nhận lại máy. Dưới góc độ hợp đồng mua bán đã được ký kết, đề xuất này liệu có căn cứ pháp lý hay không? Và việc trả lại có được xem là “hết trách nhiệm” hay không?
- Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Đề xuất này có căn cứ pháp lý hay không phải dựa vào các điều khoản trong hợp đồng mà nhà đầu đã ký kết với Sở Y tế Quảng Nam. Thông thường với một hợp đồng mua bán, sau khi bên bán giao hàng, bên mua thanh toán đầy đủ, thì hợp đồng được xem là đã thực hiện xong. Trừ một số biện pháp bảo hành hoặc đổi trả sản phẩm trong trường hợp lỗi kỹ thuật, thì nghĩa vụ mua và bán giữa các bên đã hoàn tất.
Cần phải xem xét kỹ các điều khoản của hợp đồng để xác định căn cứ của đề xuất. Việc hoàn trả lại thiết bị không đồng nghĩa với việc chỉ định thầu và thực hiện gói thầu là chưa xảy ra.
+ PV: Một vấn đề khá thú vị là cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính (cơ quan tham mưu về giá cho UBND tỉnh trong việc mua sắm) lại cho rằng không thể xác định được đúng giá của thiết bị và nhất là không thể xác định mua sản phẩm với giá 7,23 tỷ đồng (mức giá phê duyệt là 7,56 tỷ đồng) là đắt hay rẻ. Theo luật sư, phát biểu này đã đầy đủ với chức năng của sở chuyên ngành này hay không?
- Luật sư Ths.Huỳnh Phan Thiên Phúc: Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, Sở tài chính còn có chức năng thẩm định phương án giá theo đề nghị của các Sở quản lý ngành để các Sở trình UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
Nếu Sở Tài chính đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ thẩm định của mình, thì không có chuyện Sở Tài chính không thể xác định được việc mua sản phẩm với giá 7,23 tỷ đồng là đắt hay rẻ.
+ PV: Theo giải trình của Giám đốc Công ty CP Giải Pháp Việt (nhà thầu cung cấp thiết bị xét nghiệm) thì doanh nghiệp này không biết được giá nhập khẩu đầu vào của thiết bị, và giá bán được doanh nghiệp này xác định theo giá thị trường, nên giá sản phẩm được xác định là 7,56 tỷ. Theo luật sư, lập luận này liệu có phù hợp?
- Luật sư Ths.Huỳnh Phan Thiên Phúc: Bất kỳ một sản phẩm nào cũng đều phải có giá sản xuất do nhà sản xuất quy định. Việc nhà thầu mua một sản phẩm không xác định được giá đầu vào đồng nghĩa với việc nhà thầu đã mua một sản phẩm không xác định được nguồn sản xuất, vậy thì có cơ sở để tin tưởng sản phẩm này hay không?
Đặc biệt hơn, sản phẩm ở đây là trang thiết bị y tế chứ không phải một sản phẩm bất kì có thể mua ngoài thị trường để dựa vào giá thị trường làm giá bán. Lập luận của Công ty CP Giải Pháp Việt là không phù hợp và thiếu thuyết phục.
+ PV: Sau những lý giải về cấu thành giá bán sản phẩm, phía nhà thầu chủ động giảm giá thiết bị xuống 4,85 tỷ đồng (giảm lợi nhuận từ 14,5% xuống còn 0%) liệu có phù hợp với quy định hiện hành hay không, khi mà hợp đồng đã được ký kết, các cơ quan chức năng Quảng Nam đã thẩm định, phê duyệt mức giá mua sắm thiết bị?
- Luật sư Ths.Huỳnh Phan Thiên Phúc: Việc mua bán trang thiết bị y tế này được thực hiện theo quy trình chỉ định thầu pháp luật quy định. Do đó, giá của thiệt bị đã được thông qua bởi các quy trình thẩm định, thương thảo, ký kết, trình phê duyệt, không thể muốn giảm giá là giảm.
Việc giảm giá này được xem là xác định giá mới cho gói thầu và phải được thực hiện lại từ đầu theo đúng các bước thủ tục pháp luật quy định.
|
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp liên quan đến việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Real - time PCR diễn ra chiều 29/4
|
+ PV: Trong một giả thiết liên quan đến định giá bán sản phẩm, so sánh với các địa phương mua sắm thiết bị thì đã có sự chênh lệch về giá rất lớn, nhất định từ phía nhà thầu cung cấp. Vậy nếu chiếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, cấm hành vi nâng giá thiết bị y tế hòng trục lợi, thì doanh nghiệp cung cấp thiết bị có bị xử lý và hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
- Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Trong trường hợp xác định được có hành vi nâng giá thiết bị y tế hòng trục lợi, thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính lên đến 30 triệu đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Bên cạnh đó, người nào vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 với hình phạt tối đa lên đến 20 năm tù.
Xin cảm ơn Luật sư!