Vụ KH mất 245 tỷ đồng tại Eximbank: Luật sư nói gì?

VietTimes -- Luật sư cho rằng khách hàng nên tiến hành ngay việc khởi kiện ngân hàng để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Trao niềm tin cho Eximbank, KH nhận được gì? - Ảnh: Eximbank
Trao niềm tin cho Eximbank, KH nhận được gì? - Ảnh: Eximbank

Liên quan đến vụ việc bà C.T.B bị mất số tiền 245 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Luật sư Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc VPLS Nguyên Minh đã có trao đổi với PV VietTimes về vấn đề này.

Theo ông Hà, mặc dù chưa được tiếp cận hồ sơ của vụ việc nhưng theo ông khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một giao dịch dân sự. Tham gia giao dịch này, một bên là cá nhân người gửi tiền, một bên là Tổ chức tín dụng. Giao dịch này chịu sự điều chỉnh của cả Luật Dân sự và Luật các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, Tổ chức Tín dụng (Eximbank – PV) phải đứng ra giải quyết và thực thi quyền lợi chính đáng đã cam kết với khách hàng. Bởi khi KH gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo đảm khoản tiền gửi này, nếu có thất thoát, việc bồi hoàn là chuyện đương nhiên.

Việc vị Phó Giám đốc CN TP. HCM lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt số tiền của KH thuộc khâu kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ khởi kiện nhân viên của mình để đòi bồi thường thiệt hại (nếu có).

Tư vấn cho bị hại (bà C.T.B – pv), GĐ VPLS Nguyên Minh cho biết, khách hàng nên tiến hành ngay việc khởi kiện ngân hàng để đòi bồi thường quyền lợi chính đáng của mình mà không cần biết cơ quan công an đã bắt được vị Phó Giám đốc ngân hàng (có dấu hiệu lừa đảo) kia hay chưa. Với những thông tin tới thời điểm hiện tại, nhiều khả năng ngân hàng sẽ thua kiện và phải bồi hoàn cho khách hàng của mình.

Trả lời PV về số tiền phải bồi hoàn cho KH (nếu có) này, vị luật sư từng công tác trong lĩnh vực NH nhận định: việc bồi thường cho KH (nếu có) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cổ đông ngân hàng. “Các cổ đông hoàn toàn có thể khởi kiện BLĐ để đòi bồi thường, vì nên nhớ số tiền thiệt hại ở đây không hề nhỏ chút nào”- ông Hà nhấn mạnh.

Sáng 23/2, trao đổi với Báo Người Lao động, bà CTB – bị hại trong vụ việc tỏ ra rất bức xúc. “Tôi không chấp nhận phương án Eximbank chờ phán quyết của tòa án mới trả lại tiền. Tại sao phải chờ quyết định của tòa án khi tôi là người gửi tiền và không làm gì sai trái? Tôi là chủ sở hữu các sổ tiết kiệm đến rút tiền, tại sao ngân hàng không chi trả? Giả sử tất cả người gửi tiết kiệm đồng loạt mất tiền do ngân hàng quản lý yếu kém đều phải chờ tòa án phân xử thì đến bao giờ chúng tôi mới rút được tiền?” – bà B cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, theo kết luận điều tra, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyễn Hưng dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Chu Thị Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình

"Eximbank không có chủ trương trì hoãn hay né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là khởi kiện ông Hưng. Sau đó, tòa phán quyết Eximbank là bên thiệt hại thì HĐQT Eximbank mới có thể ban hành quyết định trả lại tiền cho bà Bình. Chúng tôi đang mong muốn công an nhanh chóng đưa ông Hưng (đã bỏ trốn ở Mỹ) về Việt Nam để khai báo rõ ràng nhằm giảm bớt hệ lụy của một số người liên quan đến vụ mất tiền" - ông Quyết phân trần.

Trao đổi với VietTimes, Phó GĐ PGD một ngân hàng quốc doanh cho biết, với quy trình kiểm soát hiện tại của NH rất khó để một nhân viên bình thường của ngân hàng có thể tiến hành thực hiện hành vi rút tiền của khách hàng. Trong trường hợp này, KH VIP của Eximbank đã quá tin tưởng ông Hưng khi ký khống vào nhiều giấy tờ và để trống tên người ủy quyền.
Để tránh những trường hợp tương tự, vị này khuyến cáo KH cần đăng ký thông báo qua SĐT biến động số dư trong tài khoản để khi phát sinh các giao dịch, KH có thể kiểm tra và thông báo cho ngân hàng nếu thấy phát sinh các giao dịch bất thường. Đồng thời, KH không nên ký khống vào bất cứ giấy tờ nào, kể cả việc này là yêu cầu từ phía nhân viên của ngân hàng. Bởi, quy định, quy trình nào cũng sẽ có kẽ hở. Nên việc ký khống sẽ là rất nguy hiểm nếu cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp.