|
Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chuyển hơn 37 tỷ đồng trả lại nhà tài trợ |
Ngày 21/6, Thanh tra Đà Nẵng có báo cáo số 458/BC-TTTP về việc tổ chức công bố Kết luận thanh tra và công khai Kết luận thanh tra "Về việc quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ và việc quản lý, chuyển quyền sử dụng đất của Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng)".
Trong đó có nội dung kết luận việc bác sỹ Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã tự ý chuyển trả số tiền 37,275 tỉ đồng tiền tài trợ là có dấu hiệu phạm tội và Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Thanh tra TP Đà Nẵng lập thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng. Đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng theo quy định.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 29/6, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với Luật sư Trần Khánh Linh, Giám đốc Công ty Luật TNHH LDL
Giám đốc Bệnh viện có đủ thẩm quyền để quyết định!
- Quyết định chuyển trả 37,275 tỷ đồng của ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt theo Hợp đồng tài trợ tặng cho có đúng thẩm quyền, thưa ông?
Tôi khẳng định là ông Trịnh Lương Trân quyết định như vậy là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Bởi ông Trịnh Lương Trân là Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, nên ông ấy có quyền và nghĩa vụ nhân danh và đại diện cho doanh nghiệp để “thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” mà Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 Điều 13 khoản 1 đã quy định.
Bên cạnh đó, Điều lệ Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng quy định chỉ đối với các hợp đồng, giao dịch “có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Bệnh viện” thì người đại diện theo pháp luật của Bệnh viện mới phải xin ý kiến phê duyệt, chấp thuận của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh Tp. Đà Nẵng.
Đối với hợp đồng tặng cho tài sản nói trên có giá trị 37,257 tỷ đồng, có giá trị dưới 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Bệnh viện nên Giám đốc Bệnh viện được quyền quyết định mà không cần xin ý kiến phê duyệt, chấp thuận của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh Tp. Đà Nẵng hay Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Như vậy, với tư cách là đại diện cho bên nhận tặng cho, Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã thực hiện đúng quyền hạn của mình theo hợp đồng và quy định của pháp luật.
- Đó là theo hợp đồng, còn căn cứ theo theo pháp luật, quyết định trả lại tiền tài trợ này của ông Trân có đúng luật?
Xem xét ông Trân chuyển trả đúng Luật không trước hết phải hiểu cho đúng tư cách pháp lý của ông Trân trong việc này. Như tôi đã nói ở trên, ông Trân là người làm giám đốc thuê cho một pháp nhân là Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Công ty này đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005, với ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ Y tế (có giấy phép của Bộ Y tế cấp) và thuộc sở hữu của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh Tp. Đà Nẵng.
Ông Trân được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng bổ nhiệm làm Giám đốc, tức là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trên. Doanh nghiệp được toàn quyền đối với việc “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp”. Điều này quy định rõ ở Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, Điều 8 khoản 8 và Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 Điều 7 khoản 8.
Số tiền chuyển trả tại thời điểm đó thuộc quyền định đoạt của Doanh nghiệp thông qua người đại diện theo pháp luật, trường hợp này người đại diện đó là ông Trịnh Lương Trân. Do đó nếu ông Trịnh Lương Trân tuân thủ điều lệ, tuân thủ Quy chế quản lý tài chính và chi tiêu nội bộ công ty TNHH MTV Bệnh viện ung thư Đà Nẵng (ban hành kèm theo Quyết định số 538 ngày 16/9/2013 của Giám đốc bệnh viện) thì việc chuyển trả của ông Trân là hoàn toàn đúng luật.
Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác can thiệp vào việc chuyển trả của Doanh nghiệp do ông Trân làm Giám đốc đều bị xem là hành vi trái pháp luật, vi phạm điều cấm của luật pháp về doanh nghiệp, thì chính cá nhân, tổ chức này (nếu có) mới bị xem xét xử lý theo pháp luật về vi phạm của họ.
Đây là Hợp đồng tặng cho có điều kiện!
- Vậy theo ông, Hợp đồng tặng cho giữa Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Bệnh viện Ung thư là hợp đồng gì?
Theo các văn bản, công văn, biên bản xác nhận của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Bệnh viện Ung thư thì tôi có thể khẳng định đây là quan hệ hệ tặng cho tài sản. Hơn thế nữa, nó là một hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Câu chuyện của nó như sau: Thứ nhất, Bệnh viện có 01 lời đề nghị (Văn bản số 45/BVUT – TCCK ngày 03/4/2014) gửi Ngân hàng về việc xin tài trợ một số tiền để mua hệ thống chụp mạch máu số hóa (DSA) với số tiền 37,275 tỷ đồng; Thứ hai, Ngân hàng đồng ý với đề nghị trên của Bệnh Viện bằng cách chuyển cho Bệnh viện số tiền trên (ngày 03/7/2014), đồng thời hai bên có ký biên bản xác nhận tài trợ về y tế.
Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự các Điều từ 388 đến 411 về Giao kết hợp đồng thì việc làm trên của hai bên đã đủ điều kiện thiết lập nên một hợp đồng dân sự. Căn cứ vào nội dung của hợp đồng giao kết, mà cụ thể nhất biên bản xác nhận tài trợ về y tế ký giữa Ngân hàng và Công ty công ty TNHH MTV Bệnh viện ung thư Đà Nẵng thì tôi thấy có đủ cơ sở khẳng định đó là một hợp đồng tặng cho tài sản, giữa: Bên tặng cho là Ngân hàng và Bên nhận tặng cho là Công ty công ty TNHH MTV Bệnh viện ung thư Đà Nẵng.
- Nếu việc ông Trịnh Lương Trân chuyển trả lại số tiền gây thiệt hại cho bệnh viện thì sẽ xử lý như thế nào?
Quan hệ giữa ông Trịnh Lương Trân với Bệnh viện Ung Thư Đà Nẵng là quan hệ hợp đồng lao động và do đó được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thể hiện, ngày 17/7/2012, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng có quyết định số 168/QĐ – HTB bổ nhiệm ông Trịnh Lương Trân làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 Điều 15 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”
Trong trường hợp người sử dụng lao động xét thấy người lao động vi phạm kỷ luật thì có để tiến hành xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức được pháp luật quy định tại Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động của Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 quy định "1. Khiển trách; 2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; và 3 là Sa thải”.
Như vậy, trong quan hệ lao động giữa ông Trịnh Lương Trân với Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng việc quy kết trách nhiệm hay kỷ luật phải theo đúng trình tự mà pháp luật về lao động quy định về nguyên tắc, trình tự, thời hiệu, và hình thức xử lý kỷ luật.
Những hình thức xử lý kỷ luật không được quy định tại Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 Điều 125 được xem là trái quy định của pháp luật.
Đồng thời, với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ông Trịnh Lương Trân có thể phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp.
Theo Điều lệ hoạt động của Bệnh viện Ung Thư Đà Nẵng và các quy định của pháp luật liên quan thì Người đại diện theo pháp luật - Giám đốc Doanh nghiệp được quyền ký kết và thực hiện các hợp đồng dân sự theo thẩm quyền nhưng nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định.
Như vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của Doanh nghiệp, nhưng trong trường hợp này doanh nghiệp phải chứng minh được lỗi của Giám đốc trong việc gây ra thiệt hại thực tế cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp này nếu có tranh chấp thì đó là tranh chấp dân sự về nghĩa vụ bồi thường, nguyên đơn trong vụ kiện phải là Chủ sở hữu/hoặc Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng mà không thể là tổ chức, cá nhân nào khác.
Có nên "Hình sự hóa" một quan hệ dân sự?
- Theo kết luận Thanh tra của Thanh tra Đà Nẵng, việc ông Trịnh Lương Trân chuyển tra số tiền cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là "có dấu hiệu của tội phạm". Và "Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Thanh tra thành phố Đà Nẵng lập thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng theo quy định", liệu có đúng người đúng tội?
Tôi có xem Báo cáo số 458/BC -TTTP ngày ngày 21/6/2016, đăng trên trang thông tin điện tử của TP. Đà Nẵng. Về kết luận cho rằng việc chuyển trả tiền của ông Trịnh Lương Trân cho Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt là “có dấu hiệu của tội phạm” thì tôi có ý kiến như sau:
Để kết luận việc chuyển tiền này có “cấu thành tội phạm” hay không, chúng ta cần xem xét bản chất của mối quan hệ, giao dịch giữa Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt.
Như trả lời câu hỏi của anh ở trên, nguồn gốc số tiền mà Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng nhận được từ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt là thông qua một giao dịch dân sự - trường hợp này là Hợp đồng tặng cho tài sản như tôi đã phân tích.
Thực tế, việc tặng cho này chưa kết thúc, vì nó là một hợp đồng tặng cho có điều kiện “Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cam kết sử dụng đúng mục đích khoản tài trợ, Trường hợp sử dụng sai mục đích, người nhận tài trợ ký tên dưới đây xin chịu trách nhiệm trước pháp luật” (trích biên bản xác nhận tài trợ về y tế).
Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 8/2015 Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vẫn chưa mua được hệ thống chụp mạch máu số hóa (DSA) thì Ngân hàng – với tư cách là bên tặng cho vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với số tiền 37,275 tỷ đồng đã chuyển vào ngày 03/7/2014.
Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hay chấm dứt việc thực hiện hợp đồng trong trường hợp này, nói nôm na là sử dụng khoản tiền 37,275 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
Do đó ngày 31/8/2015 ông Trịnh Lương Trân chuyển trả số tiền cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt theo đề nghị của Ngân hàng tại Văn bản số 5759/2015/LienVietPostBank ngày 31/8/2015 V/v Thông báo về nguồn kinh phí LienVietPostBank đã tài trợ cho Bệnh viện Ung Thư Đà Nẵng mua sắm thiết bị là hoàn toàn đúng pháp luật, hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm về hành chính hay hình sự trong trường hợp này
Đối với kết luận thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Đà Nẵng. Theo tôi, đề nghị này cần được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cân nhắc, thận trọng, vì việc này liên quan đến “sinh mệnh chính trị” của một con người và uy tính, danh dự, đời sống tinh thần của cá nhân ông Trịnh Lương Trân và gia đình của ông ấy.
Việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế ở đâu đấy vẫn có thể xảy ra do cách nhìn nhận, đánh giá hay thậm chí là định kiến của số người hay tổ chức về sự việc.
Theo quy định của pháp luật về Thanh tra và Khiếu nại tố cáo thì Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng có thể có quyết định khác về “xử lý kết luận thanh tra” hoặc ông Trân thực hiện quyền khiếu nại của mình theo quy định của pháp luật.
- Vậy theo ông, cơ quan chức năng cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng cần xem xét đến bản chất của sự việc và nó như sau:
Thứ nhất: Số tiền 37,275 tỷ đồng chuyển cho Ngân hàng, Công ty Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng từ đâu mà có;
Thứ hai: Mối quan hệ giữa Công ty Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và Ngân hàng về số tiền 37,275 tỷ đồng là quan hệ gì;
Thứ ba: Nếu mối quan hệ trên được xác định là quan hệ dân sự thì cần áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết trường hợp này;
Thứ tư: Mối quan hệ giữa Công ty Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và ông Trịnh Lương Trân là quan hệ gì, nếu là quan hệ về hợp đồng lao động thì áp dụng pháp luật về lao động để giải quyết;
Và cuối cùng: Việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự (như kết luận thanh tra nêu) cần được xem xét thận trọng, tránh hình sự hóa một quan hệ dân sự thuần túy.
- Xin chân thành cảm ơn ông!