Trao đổi với phóng viên, ông Cường, Giám đốc công ty Dược phẩm Hữu nghị (Đơn vị phân phối Glatilin) cho biết, sản phẩm Gliatilin là sản phẩm sáng chế của Ý nên chất lượng đã được thừa nhận. Gliatilin cũng phải nhiều năm mới được chỉ định thanh toán bảo hiểm. Nhưng với cơ chế hiện nay thì rất khó để thắng thầu, công ty cũng phải tìm cách để phân phối ra ngoài để tồn tại.
Bên lề cuộc họp DN khoa học công nghệ của Bộ Công Thương, đại diện công ty Dược phẩm CPC1 Hà Nội, đơn vị tiên phong đầu tư cho công nghệ BFS (Mỹ) để sản xuất ống nhựa đã bày tỏ: Chúng tôi đầu tư công nghệ BFS của Mỹ là để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập Ấn Độ nhằm mở ra xu hướng mới trong sản xuất và điều trị bệnh. Sản phẩm sản xuất cho điều trị tại bệnh viện nên việc không được vào danh mục đấu thầu sẽ là tổn thất lớn cho DN. Chúng tôi luôn nỗ lực tiên phong, tạo ra những sản phẩm công nghệ mới vì sự phát triển của ngành dược Việt Nam.
Đánh giá về những bất cập và thiệt hại của các DN bị nêu tên, các DN trong ngành dược cho rằng, hiện thị trường dược phẩm Việt Nam đang bị chi phối bởi hầu hết bởi các anh lớn của nước ngoài mạnh về tiềm lực tài chính và công nghệ, việc bị loại bỏ không cho tham gia đấu thầu chắc chắn sẽ gây bất lợi cho hoạt động của DN trong nước. Đặc biệt, những DN sản xuất trong nước vốn hạn chế về nguồn lực bị “tẩy chay” chắc chắn sẽ khó hoàn hồn.
Chống độc quyền hay ủng hộ độc quyền?
Trong thư email gửi cho Trưởng phòng Giám định bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, nay là Phó Giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn khẳng định: “Hiện nay trên toàn quốc có rất nhiều thuốc sử dụng dạng đóng gói bằng ống nhựa nhằm tạo tình trạng độc quyền trong cung ứng thuốc có giá cao bất hợp lý so với dạng ống thủy tinh. Ví dụ như: Piracetam tiêm ( ống nhựa), Furosemid tiêm (ống nhựa), Adrenalin tiêm (ống nhựa)…”
Tuy nhiên trên thực tế không có cơ sở nào để khẳng định ống nhựa là sản phẩm độc quyền. Đây là một xu thế tất yếu của công nghệ. Với nhiều ưu điểm vượt trội, các sản phẩm này đang ngày càng được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Anh… Việt Nam nhiều năm qua cũng đã nhập khẩu đưa vào sử dụng nước cất, thuốc tiêm ống nhựa của Ấn Độ. Trước lợi thế và tiềm năng của thị trường, nhiều đơn vị của Việt Nam cũng đầu tư công nghệ này, trong đó theo cấp phép của Bộ Y tế, CPC1 Hà Nội là đơn vị tiên phong đầu tư 3 triệu USD, tiếp đó là Traphaco, Imexpharm…
Số liệu thống kê của BHXHVN cho thấy, 1 năm đưa vào hoạt động, bệnh viện 22 tỉnh đã đưa vào sử dụng nước cất ống nhựa của Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu Ấn Độ. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ, khuyến khích để các DN này phát huy sản xuất, nâng cao năng lực, tạo cạnh tranh, giảm giá thành thì lãnh đạo BHXHVN lại ngăn chặn và kết tội ống nhựa là “độc quyền giá cao”, “lạm dụng quỹ” với con số minh hoạ của nước cất ống nhựa của Ấn Độ tại khu vực Hà Nội năm 2015. Không chỉ có vậy, lãnh đạo BHXHVN còn bảo vệ quan điểm lá thư ngầm khi công khai với với vtv24h rằng: “Nước cất ống nhựa đắt gấp đôi ống thuỷ tinh” mà không đề cập đến tính hiệu quả, sự tiện dụng, hạn chế rủi ro y khoa, và rác thải ô nhiễm môi trường. Hành động ngăn chặn này không những đẩy DN trong nước vào tình thế khó khăn mà còn tiếp tục tạo thế độc quyền trở lại cho hàng nhập khẩu của Ấn Độ (ở một nhóm mục khác đương nhiên lọt thầu). Vậy, câu hỏi đặt ra là lãnh đạo BHXHVN đang ủng hộ độc quyền hay chống độc quyền?
Sản phẩm khác cùng số phận được lãnh đạo BHXH điểm mặt, là Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate) của nhà phân phối Hữu Nghị. Sản phẩm cũng bị chỉ đạo “Kiểm soát chặt chẽ” vì bị cho là có chi phí lớn “Nằm trong Top 20 thuốc có chi phí lớn nhất toàn quốc”. Tuy nhiên theo xác minh, Gliatilin cùng với Cerebrolysin, đều nằm trong danh mục của Thông tư 40/2014/TT-BYT về ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế “có thể dùng thay thế cho nhau để điều trị cho bệnh nhân: “Đột quỵ, sau chấn thương, phẫu thuật chấn thương sọ não và sau phẫu thuật thần kinh sọ não”. Và thực tế, Gliatilin có giá trị nhập khẩu kém Cerebrolysin hơn 7 lần. Cụ thể, 3 năm 2013 - 2015, trong khi số ngoại tệ dùng để nhập khẩu Celebrolysin lần lượt là: 14,36 triệu $ (2013); 18,13 triệu $ (2014); 21,52 triệu $ (2015) thì Gliatilin là: 2,76 triệu $ (2013); 5,23 triệu $ (2014), 2,80 triệu $ (2015). Vậy, loại bỏ Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate), chỉ còn lại Cerebrolysin giá trị nhập khẩu cao hơn 7 lần, thì có nghĩa là lãnh đạo BHXHVN đang ủng hộ độc quyền giá cao hay là chống độc quyền?
Không chỉ vậy, Celebrolyzate có cùng hoạt chất giống Cerebrolysin, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu chuyến quota nhằm phá thế độc quyền của Cerebrolysin, cũng bị chỉ đạo trong email “Tạm thời chưa đưa vào kế hoạch đấu thầu”. Đây là thuốc cạnh tranh trực tiếp với Cerebrolysin, thay vì phản đối, lẽ ra BHXH nên khuyến khích, ủng hộ Cerebrolizate để tạo thế cạnh tranh, tránh độc quyền của Cerebrolysin nhưng bằng cách này, BHXH đã công khai giữ thế độc quyền cho Cerebrolysin.
Vì sao Cerebrolysin độc quyền suốt 20 năm?
Cerebrolysin 5ml và 10ml do nhà phân phối Việt - Áo đã vào Việt Nam được khoảng gần 20 năm và được sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Đã có thời gian thuốc này làm mưa làm gió trên thị trường và hầu như giữ thế độc quyền. Là sản phẩm cạnh tranh gián tiếp với Cerebrolysin, Gliatilin có hoạt chất khác nhưng cùng hướng tới một đối tượng bệnh nhân là xuất huyết não. Còn Cerebrolizate (cạnh tranh trực tiếp) là sản phẩm nhập khẩu mới vào Việt Nam được khoảng nửa năm nhưng đã và đang khẳng định được vị thế của mình nhờ những ưu thế về công dụng và giá cả. Tuy nhiên, email chỉ đạo của Phó Giám đốc BHXHVN Phạm Lương Sơn đã đẩy Gliatilin và Cerebrolyzate không cho vào danh mục đấu thầu, Cerebrolysin lại tiếp tục giữ thế độc quyền tại Việt Nam. Về giá cả, trong điều trị, một ống Gliatilin giá 85.000 đồng rẻ hơn 1 ống Cerebrolysin là 10.500đ (Cerebrolysin giá là 99.500 đồng). Vậy là với hàng trăm nghìn bệnh viện và cơ sở khám chưa bệnh trong cả nước thì số tiền chênh lệch này sẽ là bao nhiêu?.
Thay vì phá thế độc quyền của Cerebrolysin, thì việc “hất” Cerebrolyzate và Gliatilin lại càng tạo thế độc quyền cho Cerebrolysin. Mỗi năm nhà nước mất khoảng 20 triệu USD nhập khẩu, tương ứng hàng ngàn tỷ đồng trong 20 năm qua. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc “lạm dụng quỹ” và tạo “độc quyền giá cao” cho sản phẩm này?
Theo Văn Hiến