Vụ Dương Thanh Cường và trách nhiệm của Agribank

 Sáng nay 4-11-2015, theo dự kiến, Tòa án TPHCM sẽ tuyên án vụ Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh 6 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). 
Các bị cáo sau phiên tòa ngày 4-11-2015 - Ảnh: Quang Chung
Các bị cáo sau phiên tòa ngày 4-11-2015 - Ảnh: Quang Chung

Tuy nhiên, khi hàng trăm người tham dự phiên tòa chờ nghe tuyên án thì thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa, thông báo: “Phiên tòa sẽ quay lại phần xét hỏi để làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của Agribank.”

Lỏng lẻo trong quản lý?

Để làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của Agribank trong việc Chi nhánh 6 của ngân hàng này cho Dương Thanh Cường vay và gây thất thoát 966 tỉ đồng, sáng 4-11-2015, Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện của Agribank và cả ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank, đến phiên tòa để thẩm vấn.

Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa, cho biết Hội đồng xét xử muốn làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của Agribank trong việc Agribank nâng thẩm quyền phán quyết cho vay cho Chi nhánh 6 từ 80 tỉ lên 700 tỉ đồng (từ đó dẫn đến thất thoát). Vì vậy, đại diện của Agribank và ông Nguyễn Thế Bình đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi của vị thẩm phán này, nhưng vị thẩm phán “vẫn thấy vô lý”.

Theo trình bày của nguyên Tổng giám đốc Agribank, việc nâng thẩm quyền phán quyết cho vay cho Chi nhánh 6 là do Hội đồng quản trị của Agribank quyết định. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm pháp lý trong hoạt động cho vay vẫn thuộc về Chi nhánh 6.

Tại phiên tòa, quy trình ra quyết định nâng thẩm quyền phán quyết cho Chi nhánh 6 đã được làm rõ. Theo đó, khi Chi nhánh 6 có khách hàng (Công ty Thanh Phát và Công ty Tấn Phát của Dương Thanh Cường) vay vượt thẩm quyền phán quyết cho vay nên Chi nhánh đã làm tờ trình gởi Phòng kế hoạch - tổng hợp Agribank, Phòng kế hoạch - tổng hợp trình Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị quyết định.

Thực tế, khi có thẩm quyền phán quyết cho vay 200 tỉ đồng (đối với Công ty Tấn Phát) và 700 tỉ đồng (đối với Công ty Thanh Phát), Chi nhánh 6 đã cho Tấn Phát vay 170 tỉ đồng và cho Thanh Phát vay 628 tỉ đồng và số tiền này đến nay được xác định là thất thoát.

“Agribank dựa vào quy định pháp luật nào để nâng thẩm quyền phán quyết cho Agribank chi nhánh 6?”, thẩm phán Vũ Phi Long thẩm vấn nguyên Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thế Bình. Ông Bình cho biết việc nâng thẩm quyền phán quyết cho Chi nhánh 6 pháp luật không cấm nên Hội đồng quản trị Agribank thực hiện trên cơ sở tờ trình của Chi nhánh 6 và đánh giá của mình.

“Chỉ dựa vào một tờ trình rất sơ sài và đánh giá chủ quan của Hội đồng quản trị, ông có thấy như thế là lỏng lẻo và dễ bị lạm dụng?” vị thẩm phán tiếp tục thẩm vấn. Ông Bình cho biết, sau này ông lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank đã quy định lại: khi nâng thẩm quyền cho vay của các chi nhánh phải có bộ hồ sơ gồm tờ trình, bản đánh giá và hồ sơ vay của khách hàng.

Tại tòa, đại diện Agribank và luật sư của họ thừa nhận trong quản lý (vào thời điểm đó) chưa được chặt nhưng vấn đề này đã và đang từng bước hoàn thiện.

Vụ án Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại chi nhánh 6 của Agribank đã được Tòa án TPHCM đưa ra xét xử từ ngày 22-10-2015.

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát tối cao, từ năm 2007 đến tháng 10-2010 các bị cáo lập các dự án đầu tư rồi “phù phép” mang đến ngân hàng vay tiền, chiếm đoạt 966 tỉ đồng của Nhà nước.

Cụ thể, năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương do Lê Thành Công làm Tổng giám đốc được Bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 mét vuông đất ở Quận Tân Phú, TPHCM để xây trung tâm thương mại, chung cư. Dương Thanh Cường đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư và khai thác dự án. Mặc dù Cường không có khả năng về tài chính nhưng vẫn lập ra nhiều công ty để thuê người làm giám đốc (gồm các công ty Bình Phát và Tấn Phát).

Sau đó, Dương Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới là Thái Cường, giám đốc Công ty Tấn Phát, lập hồ sơ vay 170 tỉ đồng của Chi nhánh 6 với tài sản thế chấp là hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ (Quận Tân Bình) và số 44 An Dương Vương (Quận 8).

Tiếp đến, tháng 7-2007, Dương Thanh Cường chỉ đạo Lê Văn Tuấn, Giám đốc công ty Thanh Phát, lập hồ sơ vay 628 tỉ đồng của Agribank bằng thế chấp ba giấy sử dụng đất.

Khi Chi nhánh 6 còn đang giải ngân thì Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp trước đó ra, tiếp tục mang đi thế chấp ở Ngân hàng Phương Nam vay thêm hàng trăm tỷ đồng.

Vô lý với… trách nhiệm

Về quy trình ra quyết định nâng thẩm quyền phán quyết cho vay của Agribank cho Chi nhánh 6, thẩm phán Vũ Phi Long thắc mắc là tờ trình của Chi nhánh 6 trình Phòng kế hoạch - tổng hợp thì trách nhiệm của phòng này như thế nào (làm gì) trước khi trình Tổng giám đốc. Và khi Tổng giám đốc nhận tờ trình thì trách nhiệm của Tổng giám đốc thế nào (làm gì) với tờ trình này - trước khi trình tiếp cho Hội đồng quản trị?

Nguyên Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thế Bình cho rằng, “thực chất Tổng giám đốc không có vai trò gì trong việc nâng thẩm quyền phán quyết cho vay.” Theo ông, Tổng giám đốc chỉ có trách nhiệm trình tờ trình lên Hội đồng quản trị để Hội đồng quản trị quyết định.

“Vậy, Tổng giám đốc không có vai trò, trách nhiệm gì trong việc này?” vị thẩm phán hỏi. “Tại thời điểm đó Tổng giám đốc không biết phải xem xét cái gì, làm gì với tờ trình,” ông Bình nói.

Thẩm phán tiếp tục hỏi: “Nếu không có chữ ký trình lên của ông (nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Thế Bình - NV) liệu Hội đồng quản trị có giải quyết vụ này?”… Và, “Có trường hợp nào ông không đồng ý với các tờ trình tương tự tờ trình của Agribank chi nhánh 6 và không trình lên Hội đồng quản trị; hoặc ông không đồng ý nhưng vẫn trình lên Hội đồng quản trị?" Tuy nhiên, ông Bình không trả lời những câu hỏi này mà chỉ nói “chi nhánh chịu hoàn toàn vể thủ tục pháp lý”.

Tại phiên tòa, vị đại diện cho Agribank cũng cho rằng việc nâng thẩm quyền phán quyết cho vay thuộc trách nhiệm của Hội đồng quản trị nhưng Hội đồng quản trị không làm sai luật. Tương tự, luật sư Trương Thị Hòa, người bảo vệ quyền lợi cho Agribank, cho rằng  trong trường hợp này - nâng thẩm quyền phán quyết cho vay cho Chi nhánh 6 – Hội đồng quản trị không phạm luật.

Theo bà Hòa, thời điểm Agribank nâng thẩm quyền phán quyết cho vay cho Chi nhánh 6 (2007), theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Agribank được phép ký hợp đồng cho vay đến 15% vốn điều lệ, tương đương 3.000 tỉ đồng (vốn điều lệ của Agribank lúc đó hơn 20.0000 tỉ đồng).

Lý giải cho “hành vi” nâng thẩm quyền phán quyết cho vay trong trường hợp này, đại diện Agribank và luật sư của mình cho rằng, thời điểm đó (2006 – 2008) thị trường bất động sản sốt, nhiều dự án triển khai, hoạt động cho vay của ngân hàng chịu nhiều sức ép nên việc tăng quyền tự chủ cho các chi nhánh là hợp lý. “Nếu không nâng cấp ủy quyền thì trụ sở chính không thể giải quyết hết được,” đại diện Agribank nói.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng việc nâng quyền phán quyết cho vay hiện nay là chưa rõ ràng – mập mờ giữa nâng quyền phán quyết cho vay và phê duyệt cho phép chi nhánh cho vay hơn thẩm quyền - nên đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước quy định rõ hơn về vấn đề này.

Kết thúc phần xét hỏi làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của Agribank, Hội đồng xét cho biết 15 giờ chiều mai, ngày 5-11-2015, sẽ tuyên án vụ án này.

Trước đó, Viện kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt Dương Thanh Cường, chủ mưu thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án tù chung thân; Lê Thành Công, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương, từ 23 - 25 năm tù; Đỗ Trọng Nhân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt, từ 10-11 năm tù; Thái Cường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát, từ 16-18 năm tù; Lê Sơn Hùng, nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xây dựng thương mại Thanh Phát, 20 năm tù; Phạm Hoàng Thọ, nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xây dựng thương mại Thanh Phát, từ 18-20 năm tù.

Nhóm cán bộ, lãnh đạo Agribank chi nhánh 6 gồm: Hồ Đăng Trung, nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 6, bị đề nghị từ 18-20 năm tù; Hồ Văn Long, nguyên trưởng phòng tín dụng, 16-18 năm tù; Trương Quốc Bảo từ 14-16 năm tù, Trương Nhật Quang từ 12-14 năm tù và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy từ 8-10 năm tù.

Ngoài các mức án bị đề nghị như trên, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo Dương Thanh Cường, Thái Cường, Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ liên đới bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 562 tỉ đồng.

Theo TBKTSG