|
Nhiều nhà xe không vận tải hành khách tại bến xe Mỹ Đình |
Không chịu xuống bến xe Nước Ngầm
Tại buổi đối thoại giữa Sở GTVT Hà Nội và 25 doanh nghiệp kinh doanh vận tải diễn ra vào chiều ngày 31/12 về phân luồng tuyến các bến xe, ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc Cty TNHH Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) cho biết, các doanh nghiệp đã đã được Sở GTVT mời họp rất nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề gì. Nguyện vọng của các nhà xe là muốn gặp và đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện Bộ GTVT.
Theo nhà xe này giải thích, trước đây bến xe Nước Ngầm là bến tạm thuê của Công ty nước sạch, hiện nay chưa biết đã có quy hoạch thành bến xe hay chưa. “Nếu tiếp tục điều chuyển các nhà xe xuống bến tạm vậy sau này nếu chuyển tiếp thì chúng tôi sẽ đi đâu; giá dịch vụ ở đó quá đắt, đắt gấp 5-6 lần bến xe Mỹ Đình”, ông Quảng nói.
Mặt khác trước đây, các cơ quan chức năng đã kêu gọi các doanh nghiệp vận tải vào bến Mỹ Đình từ ngày mới thành lập bến. Hơn 10 năm qua, nhiều nhà xe phải chịu thua lỗ góp phần xây dựng bến. Nếu bây giờ điều chuyển, họ chắc chắn phá sản, phải trả lốt, bỏ bến vì thua lỗ.
Theo ông Quảng, bến xe Nước Ngầm không có khách vì khoảng cách với bến xe Giáp Bát chỉ 2km, và người dân phải chọn đi tại bến xe Giáp bát chứ không bao giờ đi bến xe Nước Ngầm. Chính vì những lý do này các nhà xe đã phản đối phương án phân luồng tuyến xe của Hà Nội.
“Chuyển đi đâu thì chưa rõ, nhưng chúng tôi các doanh nghiệp ở Thành Hóa không bao giờ chuyển xuống bến xe Nước ngầm”, ông Quảng một lần nữa khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ninh Bình, cũng nhất định mong muốn được đối thoại người đứng đầu thành phố vì đã ra một văn bản phân luồng tuyến ôtô liên tỉnh ở Hà Nội gửi Bộ GTVT phê duyệt (phê duyệt ngày 30/12 - PV).
Bà Nga nói: “Văn bản này như đánh án, không đúng với quy trình vận tải. Tôi nghĩ rồi, các đồng chí có bắn chúng tôi thì chúng tôi cũng phải nói”.
Theo các nhà xe, việc Hà Nội lấy lý do ùn tắc giao thông để điều chuyển luồng tuyến là chưa đúng vì ùn tắc giao thông là do mật độ phân bố dân cư quá cao, chung cư, bệnh viện, trường học dày đặc,... Tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình,... chạy xuyên tâm Thành phố quá nhiều mà UBND TP không giải quyết được.
Phê bình trách nhiệm xã hội các nhà xe
Tại buổi làm việc ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ghi nhận sự phát triển của các doanh nghiệp từ nhỏ bé để phục vụ giao thông đi lại của nhân dân. Tuy vậy cũng yêu cầu các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Viện cũng phê bình trách nhiệm xã hội của các nhà xe do hôm qua (30/12) đã không vận tải hành khách về quê mà đã để họ “bơ vơ” giữa đường.
Về chủ trương phân luồng tuyến xe, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Chính phủ đã có chỉ Hà Nội phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Một trong số đó là tổ chức giao thông, luồng tuyến tại các bến xe.
Mặt khác, Quyết định 2288 của Bộ GTVT 26/6/2015 tuy có định hướng quy hoạch luồng tuyến, ổn định đến năm 2020 nhưng được điều chỉnh vào 31/6, 31/12 hàng năm. Việc sắp xếp lại luồng tuyến chắc chắn sẽ động chạm một số doanh nghiệp, Sở GTVT cũng đã công khai, minh bạch phương án chứ hoàn toàn không có lợi ích nhóm, ưu tiên doanh nghiệp này hay hạn chế doanh nghiệp kia. Nếu doanh nghiệp thấy Sở thực hiện không đúng quy định thì có thể kiện Sở, ông Viện nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ mong muốn doanh nghiệp cùng đồng hành thực hiện giải pháp để đảm bảo mục tiêu chung giảm ùn tắc giao thông. Bước đầu thực hiện các doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhưng Sở GTVT cam kết sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhằm mục tiêu phục vụ phát triển bền vững.