Vụ chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán“: “Đủ căn cứ khởi tố về tội hành nghề mê tín dị đoan“

VietTimes -- Dư luận xôn xao việc chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) "truyền vong báo oán" thu tiền tỷ, việc làm này có vi phạm pháp luật hay không?
Chùa Ba Vàng tổ chức thuyết giảng công khai tối 21/3. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Chùa Ba Vàng tổ chức thuyết giảng công khai tối 21/3. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Ngày 22/3, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho VietTimes biết, đơn vị này đang điều tra việc tuyên tuyền "vong báo oán" để thu tiền công đức tại chùa Ba Vàng.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định, vụ việc ở chùa Ba Vàng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, quyền lợi của người dân, liên quan đến vấn đề "nhạy cảm" là tôn giáo, nên Công an tỉnh đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc.

Có thể khởi tố tội "Hành nghề mê tín dị đoan"

Trao đổi với VietTimes, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết vụ việc truyền bá "vong báo oán" ở chùa Ba Vàng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, tội hành nghề mê tín dị đoan ở đây rất rõ ràng, có dấu hiệu đưa ra thông tin sai sự thật, bói toán, làm người khác u mê, hoảng sợ tin vào ma quỷ thánh thần, sau đó đưa ra hứa hẹn, dụ dỗ để trục lợi. 

Rất khó cáo buộc tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Luật sư Hùng phân tích, người dân có quyền bức xúc với những gì thấy, nghe được đối với việc bà Phạm Thị Yến nói về ác nghiệp và ví dụ cụ thể đối với các trường hợp. 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc có hay không tiền kiếp, vong hồn, ma quỷ thì chưa ai chứng minh được chính xác. Mặt khác, pháp luật Việt Nam thừa nhận tín ngưỡng, tôn giáo, việc tin hay không là quyền của mỗi người.

Việc cho rằng cắt duyên nghiệp để trị được mọi bệnh tật, có dấu hiệu của việc gian dối đối với người khác và thu lời, là một trong những dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại BLHS 2015. Tuy nhiên, nếu những người đến nộp tiền để được giải nghiệp chữa bệnh mà không cho rằng mình bị lừa, không cho rằng mình bị thiệt hại, không bị sử dụng hành vi gian dối thì rất khó cáo buộc bà Yến tội danh trên.

Nhận định về vụ việc, vị luật sư này cũng cho rằng đây là cơ hội để làm trong sạch hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng.

Trước đó, ngày 20/3, báo Lao Động đăng tải phóng sự phản ánh hoạt động "gọi vong", "giải nghiệp" thu trăm tỷ đồng mỗi năm tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. 

Một ngày sau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) để kiểm điểm, làm rõ sự việc và có biện pháp chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu vi phạm mê tín, dị đoan.

Cũng trong ngày 21/3, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xác minh làm rõ những thông tin về lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi tại chùa Ba Vàng và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.