Sau khi VietTimes đăng tải thông tin về vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân 02 khiến 56 người rơi xuống sông, 3 người mất tích cùng động thái của UBND TP Đà Nẵng trong việc đình chỉ công tác đối với 2 cán bô ngành GTVT có liên quan đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, chính quyền Đà Nẵng vẫn chưa đặt vấn đề trách nhiệm của ngành du lịch Đà Nẵng trong việc để xảy ra vụ tai nạn thương tâm liệu có lọt người, lọt tội"!.
"Con voi chui lọt lỗ kim"!
Liên tiếp hai ngày qua, dư luận xôn xao trước vụ chìm tàu kinh hoàng ở Đà Nẵng khiến 56 người rơi xuống sông cũng như câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, trong khi hai ngày trước khi xảy ra tai nạn (ngày 2/6), tàu Thảo Vân 02 cùng hai tàu khác đã được đưa vào diện "trục xuất" khỏi khu vực sông Hàn. Song thực tế là con tàu vẫn ngang nhiên bán vé, ngang nhiên đón khách và ngang nhiên xuất bến để rồi lật chìm chỉ sau chừng 10 phút khởi hành.
Truy trách nhiệm, Giám đốc cảng vụ và một đội trưởng quản lý bến đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra; Tài công tàu Thảo Vân 02 bị tạm giữ; Cán bộ trạm biên phòng Sông Hàn và Cảnh sát giao thông đường thủy bị xem xét trách nhiệm.
Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngõ là ai đã "thả" cho tàu Thảo Vân 02 đón khách?. Vấn đề được Trung tá Đặng Hữu Tài (Đội trưởng đội CSGT đường thủy, Công an TP Đà Nẵng) khẳng định tại cuộc họp với lãnh đạo TP Đà Nẵng liên quan đến vụ tai nạn này. Và tàu Thảo Vân 02 bị chìm do không đảm bảo an toàn tại. Sự việc khá rõ, bởi không đảm bảo an toàn thì Thảo Vân 02 mới bị chìm ngay sau khi khởi hành.
Và không đảm bảo nên cơ quan chuyên môn không cấp phép hoạt động vận tải hành khách. Thậm chí, đã có đề nghị đưa tàu này lên bờ, nhưng sau những đề nghị đó, Thảo Vân 02 vẫn nhở nhơ, chong đèn, bán vé, đón khách và lưu thông trên sông Hàn cho đến khi xảy ra thảm nạn.
Phải chăng lực lượng Cảng vụ, CSGT đường thủy, Trạm biên phòng đã bỏ qua quy trình tuần tra, kiểm soát hoạt động của các phương tiện trên sông Hàn? "Lờ đi" để tàu Thảo Vân 2 hoạt động ngang nhiên ngay trước mặt mình suốt thời gian qua. Phải chăng Thảo Vân 02 như "con voi chui lọt lỗ kim", như tàng hình để rồi du lịch Đà Nẵng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Trách nhiệm của ngành du lịch ở đâu?
Dư luận đồng tình việc chính quyền Đà Nẵng nhanh chóng dồn hết lực vào cuộc để cứu nạn, tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên.
Liên tiếp 2 cán bộ lãnh đạo bị đình chỉ công tác, hoạt động khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia cứu nạn vụ chìm tàu được tiến hành khiến dư luận được an ủi. Nhưng cho đến nay, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, nếu tàu Thảo Vân 02 không chở khách du lịch, không làm tour chui trên sông Hàn mà chỉ hoạt động đi lại như những phương tiện giao thông đường thủy thông thường thì liệu có xảy ra thảm nạn đêm ngày 4/6 hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tàu Thảo Vân 02 ngang nhiên làm tour, bán vé, đón khách là trách nhiệm của ngành du lịch khi đã không quản lý chặt các đơn vị tổ chức tuor này, thanh tra sở du lịch đã không làm hết trách nhiệm nên để xảy ra việc Thảo Vân 02 tổ chức "tour chui", tổ chức tour trái phép.
Bởi hoạt động bán vé đi thuyền du lịch trên sông Hàn là một sản phẩm du lịch đường sông với tour tuyến, lịch trình, các điểm thưởng lãm,... phải được đăng ký với cơ quan chức năng. Song ngành du lịch Đà Nẵng đã làm gì và kiểm tra, giám sát đến đâu để xảy ra sự việc.
"Nếu du khách không tin vào tấm vé mà tàu Thảo Vân 02 bán được in ấn công phu, có chương trình hấp dẫn,...thì du khách đã không đi. Nếu tàu Thảo Vân 02 không ngang nhiên chong đèn, bán vé phục vụ thì sẽ không có chuyện du khách kéo nhau lên tàu để rồi xảy ra thảm nạn", một giám đốc công ty lữ hành chia sẻ.
Dư luận còn nhớ Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng từng chất vấn ngành du lịch về tình trạng của các con tàu này cũng như hoạt động quản lý lỏng lẻo của ngành du lịch đối với hoạt động này trong kỳ họp HĐND TP. "Hiện chúng ta có 25 chiếc tàu du lịch trên sông Hàn, nhưng chủ yếu là tàu cá cải hoán sang. Trong khi đó, được cấp giấy phép kinh doanh chở khách, nhưng Sở GTVT không dám cấp giấy phép hoạt động vì không có bến, không có bãi, không có tour... 25 chiếc đều không có phép. Tôi thử hỏi Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), nếu 25 chiếc tàu ấy chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm. Xin thưa với anh là tàu Biên phòng chúng tôi đã 2 lần kéo tàu bị chìm trong đêm. May chứ không thì xong phim rồi. Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên, trách nhiệm thuộc về ai?", đại biểu Nguyễn Quốc Bình từng chất vấn Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh.
Nhưng dường như những chất vấn ấy chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức cho đến khi "thảm nạn Thảo Vân 02" xảy ra và buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phải lệnh tạm dừng hoạt động của tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát.
Vậy trách nhiệm của Sở Du lịch Đà Nẵng ở đâu khi để một đơn vị tổ chức tour trái phép, đón khách trái phép ngay trên lĩnh vực mình quản lý? Dư luận vẫn đang chờ câu trả lời từ ngành du lịch Đà Nẵng khi chứng kiến cảnh Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chua chát nói: "Sự việc đã đã gây tai tiếng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Đà Nẵng gây dựng lâu nay!". Sự việc được ví như Đà Nẵng đã "gom củi 3 năm" để xây dựng hình ảnh du lịch của mình trong mắt du khách, nhưng rồi "đốt chỉ trong 1 giờ".