Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc bệnh viện khó thoát trách nhiệm hình sự?

VietTimes – Giai đoạn thẩm vấn tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết đang lộ dần những thông tin liên quan tới trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Rất có khả năng sẽ phải xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trương Quý Dương trong vụ việc này.
Các bị cáo trong vụ chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Ảnh: Tiền Phong
Các bị cáo trong vụ chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Ảnh: Tiền Phong

Chỉ đạo miệng, ghi tay sau

Trước đó, hội đồng xét xử đ 2 lần triệu tập, nhưng ông Trương Quý Dương không có mặt tại tòa. Xa hơn, khi xảy ra sự cố làm 8 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng, ông Trương Quý Dương đã bị cách chức Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Tuy nhiên, cho đến nay ông Dương không bị  xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này.

Trả lời thẩm vấn, ông Hoàng Đình Khiếu - Trưởng khoa Điều dưỡng và ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực thuộc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khai, bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo trong khoa từ năm 2015.

Việc phân công này được ghi tại biên bản một số cuộc họp, cuộc giao ban – hai nhân chứng này và một số nhân chứng khác khai trước tòa và tại cơ quan điều tra, lời khai còn lưu trong bút lục vụ án.

Tuy nhiên, cũng ông Đinh Tiến Công khai đã ghi thêm vào sổ giao ban năm 2015 và 2016 các nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. “Việc bổ sung diễn ra sau khi sự cố xảy ra nhằm hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn” – ông Công khai rõ, và cho biết thêm việc ghi sổ sau này là “ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ”.

Lời khai ông Công nhấn mạnh, việc phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo đã được thực hiện từ năm 2015, nhưng lúc đó chưa có văn bản.

Các lời khai về nội dung “ghi thêm” này bị ông Hoàng Công Khiếu phủ nhận. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất thì ông Khiếu vẫn xác nhận. Theo đó, ông Khiếu khẳng định đã phân công các bác sĩ tại đúng các cuộc giao ban, họp khoa và có ghi biên bản cuộc họp. Trong đó, bao gồm cả nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương.

Như vậy, mấy chốt vấn đề đã được các nhân chứng xác nhận, việc bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo từ năm 2015 trở đi là theo chỉ đạo miệng, chỉ được ghi tại biên bản giao ban của khoa. Mà không phải quyết định, hay biên bản của Ban giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Cho đến nay, chưa có ý kiến luật sư hay cơ quan điều tra đánh giá các biên bản giao ban nội bộ của các Khoa Điều dưỡng và Khoa Hồi sức tích cực thuộc bệnh viện đa khoa Hòa Bình có là văn bản hành chính hay không.

Về nguyên tắc, bệnh viện (do ông Trương Quý Dương đại diện) ký hợp đồng liên kết với Công ty Thiên Sơn khai thác, ăn chia doanh thu từ khai thác máy chạy thận. Do đó, theo quy định, bắt buộc ban giám đốc bệnh viện phải có văn bản chỉ đạo cụ thể ai, bộ phận nào chịu trách nhiệm phối hợp với Công ty Thiên Sơn thực hiện các nội dung của hợp đồng này. 

Mặt khác, bản thân việc giao bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo cũng không rõ ràng là giao đảm bảo về kỹ thuật, tiêu chuẩn… hay chỉ là nhận máy đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ chạy thận cho bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã ký 4 hợp đồng cung cấp 13 máy chạy thận nhân tạo với Công ty Thiên Sơn. Đã có 8 máy được bàn giao cho bệnh viện sau khi kết thúc hợp đồng, 5 máy còn lại hiện vẫn thuộc Công ty Thiên Sơn.

Sai là thiếu giám sát

Theo diễn biến vụ việc, bệnh viện đa khoa Hòa Bình ký hợp đồng khai thác máy lọc thận với Công ty Thiên Sơn. Về công việc, Công ty thiên Sơn cung cấp máy (sau này là cho thuê), và đảm bảo tình trạng kỹ thuật của máy, việc quyết định đưa máy vào khai thác – cụ thể là chạy thận cho bệnh nhân – theo quy định, đương nhiên phải là trách nhiệm của bệnh viện.

Có hợp đồng, Công ty thiên Sơn đầu tư máy và thuê Công ty Trâm Anh bảo dưỡng, sửa chữa máy trong quá trình hoạt động. Điều này là bình thường vì theo quy định, Công ty Thiên Sơn chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng máy nhưng không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện việc này, mà có thể đi thuê.

Do đó, việc Công ty thiên Sơn ký hợp đồng bảo dưỡng hệ thống lọc nước với bệnh viện, và tiếp tục thuê Công ty Trâm Anh trực tiếp triển khai bảo dưỡng (hợp đồng ngày 25/5/2017) là được pháp luật cho phép. 

Sau này, trước tòa, ông Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Trâm Anh – khai hợp đồng ngày 25/5/2017 là lập và ký sau ngày xảy ra sự cố khiến 9 bệnh nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, lời khai này vẫn khẳng định nội dung chủ yếu là các bị cáo này đã trực tiếp liên quan trong quá trình bảo dưỡng máy, gây tồn dư hóa chất và làm 9 người thiệt mạng.

Theo ông Bùi Mạnh Quốc, ông là người trực tiếp dùng hóa chất axit flohydric (HF) sục rửa vỏ màng lọc RO) của máy chạy thận. Sau khi xảy ra sự cố chết người, qua kết quả kiểm tra của đại diện hãng máy và cơ quan điều tra, ông mới biết đồng hồ đo chỉ số trên máy bị hiển thị sai.

Ông Quốc cũng cho biết việc bảo dưỡng máy chạy thận tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình do ông thực hiện theo kinh nghiệm đã làm từ nhiều năm, tại nhiều bệnh viện, ngoài ra ông không có bằng cấp gì liên quan tới sửa chữa máy chạy thận. Ông cũng đã được tập huấn về việc sử dụng hóa chất HF trong bảo sục rửa bảo dưỡng máy chạy thận.

Nhiều bị cáo, nhân chứng tại bệnh viện xác nhận nhà cung cấp, bảo dưỡng máy thông tin tới bộ phận vật tư của bệnh viện máy đã đảm bảo đưa vào sử dụng. Sau đó bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp nhận và ra lệnh đưa vào chạy thận, làm 9 người tử vong.  

Như vậy, vấn đề từ giai đoạn thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy, rất nhiều công đoạn liên quan tới quy trình đưa máy chạy thận vào khai thác tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình đều thực hiện bằng… miệng, mà không có chỉ định rõ về các nội dung liên quan tới vận hành máy. Đặc biệt, quy trình vận hành máy chạy thận tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình thiếu hẳn thông tin về hoạt động giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Cụ thể, việc giao bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo không thể hiện thành văn bản của Ban giám đốc bệnh viện, cũng không rõ các nội dung cụ thể về trách nhiệm và khu vực công việc liên quan tới hệ thống máy chạy thận. Trong khi số lượng 19 máy tại đây lại bao gồm 2 loại, loại Công ty Thiên Sơn đã bàn giao và loại đang khai thác chung.

Hiện, vấn đề khi tiếp nhận máy bác sĩ Hoàng Công Lương có trách nhiệm kiểm tra, hay được cung cấp các giấy tờ đảm bảo theo quy định về chất lượng nước, chất lượng thiết bị lọc, chất lượng máy… sau bảo hành có đảm bảo hay không chưa được làm rõ.

Đồng thời, bệnh viện đa khoa Hòa Bình ký hợp đồng cung cấp, bảo dưỡng máy với Công ty Thiên Sơn nhưng lại phó mặc cho Công ty này thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng mà không yêu cầu công ty này xuất trình các giấy tờ liên quan và chứng minh năng lực cung cấp, sửa chữa này…

Cách làm này tiếp tục được Công ty Thiên Sơn áp dụng trong thuê Công ty Trâm Anh triển khai bảo dưỡng hệ thống lọc nước của máy chạy thận, do đó mà một người không được đào tạo như ông Quốc có thể tự tay thực hiện bảo dưỡng hệ thống lọc nước.  

Quy trình giám sát, quản lý máy móc chữa bệnh cho người có được thực hiện nghiêm túc, loại bỏ tối đa các rủi ro có thể xảy ra trước tiên liên quan tới trách nhiệm của giám đốc bệnh viện. Trong vụ việc vô ý làm chết người xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trách nhiệm ấy trước tiên do ông Trương Quý Dương chịu trách nhiệm.

Hiện, ông Dương chỉ bị xử lý hành chính là cách chức, mà chưa chịu trách nhiệm hình sự về việc 9 bệnh nhân thiệt mạng do nguyên nhân trực tiếp từ bệnh viện do ông làm giám đốc.

Nhưng với những thông tin do các bị cáo, nhân chứng khai trước tòa đã cho thấy, rất có thể cựu giám đốc bệnh viện này bị xem xét trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, để gây ra cái chết của 9 bệnh nhân chạy thận.