|
Cổng Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc. |
Chỉ được liên hệ với giáo viên thông qua mạng xã hội riêng
Theo ông Thành, hôm qua (6/8) là ngày thứ hai nhập học, Ban phụ huynh học sinh của lớp vừa được thành lập thì xảy ra sự việc. “Sự việc diễn ra quá nhanh, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ khiến chúng tôi bàng hoàng” – Ông Thành nói.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết lập liên hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên, ông Thành được cho biết nhà trường có nguyên tắc không tiết lộ số điện thoại hay thông tin liên hệ cá nhân của của cô giáo chủ nhiệm. Mọi phản hồi của phụ huynh sẽ được chuyển thông qua kênh mạng xã hội riêng do trường tạo ra.
|
Ông Trương Tất Thành - Hội trưởng hội cha mẹ học sinh lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học quốc tế Gateway trả lời phỏng vấn báo chí.
|
“Chính tôi cũng cảm thấy không vui khi không hề biết thông tin của cô giáo sẽ kèm cặp con mình. Tôi chỉ được biết mặt, biết tên cô khi tới tham dự lễ khai giảng, trước đó tôi không hề biết cô giáo chủ nhiệm tên là gì, không biết cả số điện thoại của cô. Việc phản ánh qua mạng xã hội và emai chỉ phù hợp với những phụ huynh vẫn còn trẻ tuổi và có điện thoại thông minh (smartphone). Có một phụ huynh rất già phản ánh với tôi là chị không có email, không dùng smartphone, thì làm sao có thể liên hệ với nhà trường? Ngay lúc đó, nhà trường không trả lời được vấn đề này.” – Ông Thành thông tin.
Một phụ huynh bức xúc nói: “Với cách thức liên lạc như trên, việc nắm bắt tình hình học sinh không hề được đảm bảo do phải qua quá nhiều khâu trung gian, khó có thể sát sao với các con”.
Nghi vấn về năng lực chăm sóc trẻ
Ông Thành cũng chia sẻ, ngay từ ngày đầu tiên quan sát cách chăm sóc trẻ của các cô trông lớp, ông đã nhận ra cách chăm sóc trẻ của cô giáo chưa tốt.
“Ngày đầu tiên tôi đến trường quan sát cách các cô chăm sóc cháu nhỏ thì thấy lớp chỉ có 17 cháu, trong đó có 1 cháu đi ra ngoài thiếu đôi dép. Cháu khóc rất to đòi đi lấy dép nhưng các cô không để ý. Một việc đơn giản như vậy mà các cô không sát sao được, thì khó có thể chăm sóc trẻ cho tốt được”.
|
Nhóm phụ huynh đợi chờ tới giờ họp thông tin vụ việc với nhà trường.
|
Bên cạnh đó, theo ông Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp không phụ trách đưa đón học sinh. Phụ trách học sinh di chuyển từ nhà đến trường là một giáo viên năm nay đã 50 tuổi và vừa mới nhận công tác 2 ngày trước.
Ông thành đặt câu hỏi về mối quan hệ của nhân viên này với nhà trường, kinh nghiệm làm việc ở mức nào bởi vụ việc xảy ra quá nghiêm trọng, chứng tỏ người được giao trách nhiệm quá tắc trách, không biết trẻ còn ở trên xe.
Ông Thành cũng bày tỏ: “Tôi hay đi ô tô, nên tôi biết hôm qua trời rất nóng, trên ô tô báo 43,5 độ C thì cháu bé ở trong ô tô đã tắt máy, không có điều hòa ngột ngạt tới cỡ nào. Cứ nghĩ tới cháu bé gào khóc, chịu nóng, chịu khát, lịm dần đi mà không ai biết, tôi cảm thấy đau lòng lắm”.
|
Một góc sân chơi của trường
|
Hôm nay, nhà trường sẽ họp cùng với phụ huynh học sinh để thông tin về vụ việc và nhận trách nhiệm. Ông Thành và nhiều phụ huynh khác có mặt tại trường sẽ đưa ra quan điểm cá nhân, ý kiến tập thể đi sâu vào vấn đề thông tin phản hồi giữa phụ huynh, nhà trường cần trực tiếp hơn, yêu cầu trường rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả, không làm mất thêm niềm tin với phụ huynh. Ông Thành cũng cho biết sẽ trấn an các phụ huynh học sinh khác không nên có suy nghĩ tiêu cực, chuyển trường cho con ngay, khiến cho nhà trường không thể kinh doanh, hoạt động.
Cùng ngày, tại trụ sở UBND quận Cầu Giấy, đại diện lãnh đạo quận sẽ thông tin tới báo chí cụ thể về sự việc.