Mới đây, Trung tâm kiểm tra vệ sinh Thú y Trung ương đã công bố kết quả xét nghiêm mẫu nước thu được ở vùng biển Tĩnh Hải (khu vực phát hiện cá chết).
Theo đó, mẫu nước tại khu vực biển này có nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, riêng chỉ tiêu Nhu cầu ôxy hóa sinh học (COD), xét nghiệm 7 mẫu thì chỉ tiêu đo được đều vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 2,45 đến 5,29 lần; đặc biệt, mẫu nước biển tại vụng Nghi Sơn (xã đảo Nghi Sơn) có 2 mẫu là COD vượt ngưỡng cho phép từ 3,05 lần đến 4,49 lần và chỉ tiêu Amonia (NH3) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 10,8 đến 32,8 lần.
Các chỉ tiêu khác như Cyanua, Sulfua đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Trước đó ngày 22/9, theo thông báo được Sở NN&PTNT Thanh Hóa đưa ra, (cũng lấy kết quả từ Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương) các mẫu nước xét nghiệm đều âm tính với vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh ở cá biển; đếm vi khuẩn tổng số gây bệnh trên cá thì số lượng đều trong chỉ tiêu cho phép của nuôi trồng thủy sản.
Đến ngày 28/9, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa lại cho biết, cá chết ở khu vực biển Nghi Sơn và xã Tĩnh Hải huyện Tĩnh Gia không liên quan đến dịch bệnh.
Như vậy, theo tỉnh Thanh Hóa, vụ việc các chết ở Nghi Sơn có thể là do biến đổi môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không liên quan đến dịch bệnh và cần được xác minh làm rõ.
Hiện tại, hiện tượng tảo nở hoa đang được xem là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc này
Được biết, tại khu vực cá chết gần cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng. Hiện tượng nước biển như trên phù hợp với mô tả của ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản trên biển và phát hiện hải sản tự nhiên chết.
Sau khi lấy mẫu nước kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã xác định, mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng bị chết ở xã Nghi Sơn phát hiện có loài tảo Hairoi – Creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ đạt khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển. Mẫu nước lấy tại khu vực Cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo Creratium furca chiếm ưu thế, nhưng mật độ chỉ khoảng 500 nghìn tế bào/1 lít nước biển.
Hiện tượng tảo nở hoa này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính đối với vùng biển Tĩnh Hải và Nghi Sơn (của huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển.
Trong khi đó, việc cá tự nhiên và cá lồng chết ở vùng biển khu vực xã Tĩnh Hải và xã Nghi Sơn đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh tế của nhân dân địa phương. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo huyện Tĩnh Gia tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình cá chết, khuyến cáo người dân di chuyển lồng bè còn lại ra khỏi khu vực bị ô nhiễm, không sử dụng cá chết để ăn hoặc chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, tổ chức thu gom, tiêu hủy.