Vụ “biệt phủ” Yên Bái: Phải báo cáo Thủ tướng nên không thể làm qua loa

VietTimes -- Liên quan đến vụ "biệt phủ Yên Bái", Cục trưởng Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho hay, do các sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý chưa đến mức phải xử lý hình sự, nên nặng nhất là ông Quý sẽ bị giáng chức - mức kỷ luật cao nhất đối với sai phạm hành chính
Ảnh minh họa. Nguồn Zing
Cụ thể, trả lời phỏng vấn của VnExpress, Cục trưởng Chống tham nhũng cho biết, hiện nay luật quy định rất rõ ràng: người đứng đầu thì phải gương mẫu trong công tác kê khai, nếu không nghiêm thì sẽ bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật hành chính.
Đối với trường hợp ông Quý, ông Quý là người đứng đầu Sở Tài nguyên Môi trường, vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập; vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nên đoàn thanh tra đề nghị xử lý kỷ luật hành chính một cách nghiêm minh.
"Trong quá trình thanh tra, chúng tôi xét thấy các vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự nên chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật hành chính. Ở đây kỷ luật hành chính có thể là khiển trách và mức cao là giáng chức. Tôi cho rằng với mức này cũng thỏa đáng và đúng với bản chất của những sai phạm", Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng nhận định.
Bản kết luận đã nêu khá đầy đủ về mọi vấn đề xoay quanh nội dung thanh tra, đã đảm bảo không bỏ lọt bất cứ một vi phạm nào dù là nhỏ.

Đến nay, việc kỷ luật ông Quý vẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh Yên Bái. Nếu tỉnh không thực hiện nghiêm, bản thân tỉnh này chịu sức ép đầu tiên là dư luận. Dư luận theo dõi, giám sát việc này rất chặt chẽ.

"Ngoài ra, sau khi có kết quả thực hiện thì phải báo cáo lên Thủ tướng nữa nên khó có thể làm qua loa", ông Đạt nói.

Ông Đạt cho biết thêm, quá trình thanh tra tài sản, ông Quý đã phải giải trình về những tài sản của mình và gia đình, thậm chí biến động theo năm. Trong đó ông Quý có giải trình rất rõ, khối tài sản trên gồm phần lớn các khoản vay ngân hàng và bạn bè lên tới 19 tỷ đồng, riêng đầu tư xây dựng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà, làm trang trại hết hơn 7 tỷ đồng.
Ông Quý cũng giải trình được các khoản vay ngân hàng, vay vàng bạn bè cũng như người thân. Còn việc ngân hàng họ cho vay như thế nào, ông Quý trả lãi và gốc hàng tháng ra sao hay chuyện vay 20 tỷ đầu tư vào bất động sản bất thường hay không, không thuộc thẩm quyền của đoàn thanh tra.

Trước đó, từ tháng 6/2017, những thông tin liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái cùng khu "biệt phủ" của gia đình trở thành tâm điểm dư luận.

Cụ thể, theo bản kê khai tài sản, tổng thu nhập của gia đình ông Quý năm 2016 tăng một tỷ đồng so với 2015 với ba bất động sản ở tổ 51 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, gồm: công trình cấp 3 trên lô đất 600 m2, ngôi nhà xây tạm trên diện tích 150 m2 (trị giá 150 triệu đồng) cùng mảnh đất 1.000 m2 (trị giá 500 triệu đồng).

Ngoài đất ở, ông Quý kê khai gia đình có trang trại diện tích 2 ha (20.000 m2), trị giá một tỷ đồng, được thừa kế từ bố mẹ ruột trong năm 2016. Tại Hà Nội, gia đình ông sở hữu căn hộ 130 m2 tại chung cư cao cấp Mandarin Garden, giá trị khi mua 2,5 tỷ đồng. Ông Quý đứng tên sở hữu ôtô Camry, trị giá hơn một tỷ đồng.

Về nguồn gốc khối tài sản gồm quần thể biệt thự, trang trại... trong khu đất 13.000 m2 tại phường Minh Tân (thành phố Yên Bái), ông Quý cho hay không đứng tên sở hữu. Trên giấy tờ, tất cả thuộc về bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông. Để xây khu biệt thự này, ông Quý tiết lộ gia đình đã vay ngân hàng và bạn bè gần 20 tỷ đồng.

Để làm sáng tỏ những vấn đề này, ngày 27/6, tổ công tác của TTCP đã thực hiện công bố quyết định thanh tra tại Yên Bái, trong đó có nội dung liên quan đến thông tin về tài sản, đất đai của gia đình ông Quý. Thời hạn thanh tra là 15 ngày.

Đến giữa tháng 7, cuộc thanh tra đã kết thúc quá trình thanh tra trực tiếp, dự kiến khoảng giữa tháng 8 sẽ có kết luận chính thức, công bố công khai. Tuy nhiên, phải 2 tháng sau "dự kiến" Thanh tra Chính phủ mới có thông tin về việc công bố thông tin.