Vụ bé trai 6 tuổi Trường Tiểu học Gateway bị bỏ quên trên ô tô là một trong 3 sự kiện giáo dục của năm 2019

VietTimes -- Đối thoại trực tiếp về bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục; bé trai 6 tuổi Trường Tiểu học Gateway bị bỏ quên trên xe ô tô; xét xử gian lận thi cử là 3 sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất trong năm 2019.
Học sinh trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh: Minh Thúy
Học sinh trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh: Minh Thúy

1. Bộ GD&ĐT đối thoại trực tiếp về bộ SGK công nghệ giáo dục

Ngày 3/1/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại về bộ SGK công nghệ giáo dục.

Trước đó, Hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thẩm định 6 bộ SGK, trong đó 5 bộ sách đã được đánh giá là đạt và được Bộ GD&ĐT thông qua, đồng ý sử dụng trong năm học mới. Chỉ có duy nhất bộ SGK công nghệ giáo dục bị loại. Điều này là không bình thường khiến dư luận xã hội quan tâm và nhiều người bức xúc.

Bộ SGK công nghệ giáo dục gồm sách: Tiếng Việt 1, Toán 1, Đạo đức 1. Hội đồng thẩm định SGK cho rằng bộ sách này cần xem xét về nhiều mặt.

GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Minh Thúy

GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Minh Thúy

Tại buổi đối thoại, GS. Hồ Ngọc Đại – Cha đẻ của bộ SGK công nghệ giáo dục đã có cuộc tranh luận gay gắt với GS. Trần Đình Sử cũng như các thành viên của Hội đồng thẩm định SGK.

Tranh cãi nảy lửa về bộ SGK công nghệ giáo dục. Video: VTC1

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc thẩm định SGK nhằm công bố cho xã hội bộ sách đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí. Các bộ sách phải lấy chương trình làm gốc để giúp giáo viên có hướng đi đúng trong dạy và học. Nếu Bộ GD&ĐT có cách thẩm định khác với bộ SGK công nghệ giáo dục thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Minh Thúy
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Minh Thúy

Hiện, số phận của bộ SGK công nghệ giáo dục vẫn còn bỏ ngỏ khi Bộ GD&ĐT thông báo sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến về bộ SGK công nghệ giáo dục.

2. Bé trai 6 tuổi Trường Tiểu học Gateway bị bỏ quên trên xe ô tô

Ngày 15/1/2020, sau một ngày xét xử căng thẳng, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy TP. Hà Nội đã tiến hành tuyên án vụ bé trai Trường Gateway tử vong đối với 3 bị cáo gồm: Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, người đưa đón trẻ), Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, tài xế lái xe), Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo).

Tòa tuyên án vụ bé trai Trường Gateway tử vong. Ảnh: Minh Thúy

Tòa tuyên án vụ bé trai Trường Gateway tử vong. Ảnh: Minh Thúy

Căn cứ lời khai của bị cáo Quy, người làm chứng, các trích đoạn camera giám sát về vụ việc được ghi lại, Hội đồng xét xử kết luận: Ngày 6/8/2019, cháu Lê Hoàng Long bị bỏ quên trên xe ô tô có biển số 29B06956 từ 7h23 phút sáng đến 16h15 phút chiều.

Căn cứ bản giám định kết luận pháp y kết luận trong máu và phủ tạng không thấy có chất độc thường gặp, Hội đồng xét xử loại trừ nguyên nhân tử vong do tác động của ngoại lực. Nguyên nhân cháu Long tử vong là do suy hô hấp tuần hoàn, sốc nhiệt trong không gian giới hạn.

Trước đó, em Lê Hoàng Long, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón của trường.

Tài xế Doãn Quý Phiến tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 13/9. Ảnh: Dân Trí
Tài xế Doãn Quý Phiến tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 13/9. Ảnh: Dân Trí

Theo bản tường trình của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway, vào khoảng 16h00 ngày 6/8/2019, trong quá trình đưa học sinh đi xe bus về, nhà trường đã phát hiện bé Long, học sinh lớp 1 đang nằm bất tỉnh trên xe bus.

Ngay lập tức, một cán bộ của nhà trường đã nhanh chóng đưa em vào phòng cấp cứu trong tình trạng bị tím tái. 2 nhân viên y tế đã thực hiện biện pháp sơ cứu, đồng thời, liên lạc với phụ huynh học sinh.

Khi được đưa đến bệnh viện, mặc dù bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu nhưng em đã không qua khỏi.

3. Xét xử gian lận thi cử

Năm 2018, vụ việc gian lận điểm thi nghiêm trọng đã khiến 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có 347 bài thi bị can thiệp điểm được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La và nhiều bài thi ở Hòa Bình bị nâng điểm. Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc.

Tổng số học sinh đã bị xử lý là 151 em, trong đó Hà Giang 114 em; Sơn La 29 em; Lạng Sơn 8 em.

11 cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, có hai cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang, 6 người ở Sơn La và 3 người ở Hòa Bình.

Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can. Ảnh: cơ quan điều tra

Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can. Ảnh: cơ quan điều tra

Năm 2019, các bị cáo liên quan đến vụ gian lận thi cử ở các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã lần lượt phải hầu tòa và nhận những bản án thích đáng nhưng điều mà xã hội cảm thấy đau xót là những vụ việc gian lận, làm thay đổi điểm số bài thi của kỳ thi quan trọng và suy giảm niềm tin của người dân vào ngành giáo dục.