|
Một xe vận chuyển mía nguyên liệu đang trên đường đến nhà máy đường. Ảnh: TL |
Theo VSSA, hiện trên thị trường sản phẩm đường lậu đang được nhập khẩu và lưu hành ngày càng tinh vi và phức tạp. Nguồn gốc sản phẩm đường này chủ yếu từ Lào và Campuchia, trong khi công tác chống buôn lậu của các cơ quan có liên quan gặp khó khăn.
Do đó, để khuyến khích và động viên những đơn vị này, VSSA trong công văn 20/2016/CV-HHMĐ gởi Chính phủ kiến nghị cho cơ quan chống buôn lậu được hưởng 100% giá trị lô hàng bắt giữ trong quá trình hoạt động của mình.
Theo VSSA, đường lậu sau khi bắt giữ sẽ cho bán đấu giá cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất đường chứ không cho các doanh nghiệp thương mại tham gia đấu giá. Cách làm này, theo VSSA, là giúp hạn chế việc các doanh nghiệp thương mại lợi dụng hóa đơn mua đấu giá để quay vòng, hợp thức hóa lượng đường ăn nhập lậu khác để tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Những năm qua, đường nhập lậu là nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước. Vì thế, nhiều năm qua, VSSA thường có những kiến nghị để Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ngành sản xuất đường trong nước trước đường nhập lậu.
Theo VSSA, mỗi năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam dao động từ 300.000 đến 400.000 tấn.Vì thế, có thời điểm, theo VSSA, 90% lượng đường bán tại thị trường các tỉnh phía Nam là đường nhập lậu.
Hiện mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 1,5 triệu tấn đường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, chính đường nhập lậu là nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy đường gặp khó khăn vì giá đường nhập lậu thường rẻ hơn từ 500 -1.000 đồng/kg (tùy vào từng thời điểm).
Để giải quyết vấn đề dư nguồn cung, doanh nghiệp chỉ còn cách duy nhất là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch hay gặp khó khăn do tình trạng cấm biên từ phía Trung Quốc.
Theo TBKTSG