|
VPF vừa đại hội kiện toàn nhân sự HĐQT. Ảnh VPF. |
VPF vừa kỷ niệm 10 năm gắn bó với các giải đấu bóng đá Việt Nam. Chừng ấy năm là không biết bao ngọt bùi, sóng gió đối với những người quản lý các giải đấu. Tháng 9 năm 2011, VPF ra đời hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và thực hiện các quy định của VFF và FIFA, trong đó: 14 CLB chiếm 64,6% vốn điều lệ và VFF chiếm 35,4% vốn điều lệ.
Cơ cấu quyền lực
Theo luật, cơ quan quyền lực cao nhất của Công ty cổ phần là Đại hội cổ đông. Các cổ đông bầu HĐQT, trong đó đảm bảo số thành viên đại diện VFF và số thành viên đại diện các CLB theo tỷ lệ 35/65. Theo đó, mỗi công ty quản lý CLB V.League chỉ có 3.9% vốn điều lệ, ba công ty có đội hạng Nhất mỗi công ty chỉ có 1% vốn điều lệ. Một tỷ lệ được bầu Kiên, người sáng lập VPF tính toán để cân bằng tương đối quyền lực của VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp lúc bấy giờ.
Hội đồng quản trị Công ty VPF nhiệm kỳ 2020-2023 gồm 7 thành viên: Ông Trần Anh Tú (Ủy viên thường trực Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF), ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó Tổng thư thư ký VFF), bà Đinh Thị Thu Trang (Phó Tổng thư ký VFF), ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch Tổng công ty thể thao T&T), ông Trần Mạnh Hùng (Chủ tịch CLB Hải Phòng), ông Lê Minh Dũng (CLB Phố Hiến), ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh).
|
VPF bước sang tuổi thứ 11. Ảnh VPF. |
Một cơ cấu mà VFF có 3 phiếu, các đội bóng chuyên nghiệp có 4 phiếu nhưng tinh ý sẽ thấy các nhân sự được chọn luôn đảm bảo đủ để VFF phủ quyết các vấn đề quan trọng.
Chèo chống mùa Covid-19
Bóng đá chuyên nghiệp vốn khắc nghiệt. Không lâu sau khi được bầu vào HĐQT VPF ông Lê Minh Dũng (câu lạc bộ Phố Hiến) và ông Trần Mạnh Hùng (Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng) và mới đây là ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) đã rời khỏi Hội đồng quản trị. Đại dịch Covid-19 bùng phát nên ban đầu VPF định lùi giải đấu đến tháng 2/2022 nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của CLB, thậm chí nhiều đội bóng dùng lời lẽ nặng nề để chỉ trích lãnh đạo Công ty VPF. Thậm chí đòi tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thay hội đồng quản trị và lãnh đạo Công ty VPF.
Trong nhóm 6 CLB HAGL, Bình Dương, Quảng Nam, Nam Định, Hải Phòng, SLNA đòi đại hội đồng cổ đông bất thường thì bầu Đức (HAGL) và bầu Hoàn (Hải Phòng) tỏ ra phản ứng gay gắt nhất. Là một doanh nhân từng trải, bầu Tú, Chủ tịch VPF thừa biết phải làm gì trong thời điểm đó, thực tế quyết định hủy các giải đấu chuyên nghiệp năm 2021 được coi là giải pháp vừa lòng nhiều cái đầu nóng.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cũng thừa kinh nghiệm viện dẫn các điều trong Luật Doanh nghiệp để không phải đại hội bất thường, rất dễ xảy ra việc “thay ngựa giữa dòng” khi bầu Đức liên tục lên mặt báo công kích mình. VPF có những động thái thiếu đi sự tinh tế trong bối cảnh sân cỏ đìu hiu, các CLB gồng mình lo kinh tế nuôi đội bóng.
|
Ông Vũ Tiến Thành (Chủ tịch câu lạc bộ Phố Hiến) sớm rời Đại hội đồng cổ đông bất thường 2022. Ảnh: VPF |
Màn đấu trí
Khi 3/7 thành viên HĐQT VPF rời khỏi bóng đá thì việc phải bầu bổ sung là điều đương nhiên. Đại hội có sự tham dự của 19 đại điện cho cổ đông của Công ty VPF cùng các khách mời là các câu lạc bộ tham dự mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022.
Tại đại hội, ông Vũ Tiến Thành (Chủ tịch câu lạc bộ Phố Hiến) và ông Văn Trần Hoàn (câu lạc bộ Hải Phòng) đã đề xuất phương án bầu bổ sung 5 thành viên vào HĐQT (thay vì 3 thành viên) để nâng tổng số lên 9 thành viên HĐQT (thay vì 7 thành viên như ban đầu). Rõ ràng với phương án 9 thành viên HĐQT thì uy quyền lá phiếu của 3 thành viên đại diện cho VFF bị giảm sút rất nhiều.
Một lần nữa người ta lại thấy bầu Tú thể hiện bản lĩnh và sự sắc sảo khi đề nghị đại hội biểu quyết giơ tay chọn phương án bổ sung 3 hay 5 thành viên HĐQT. Có đến 70% các cổ đông tại Đại hội không đồng ý với phương án này của ông Vũ Tiến Thành và ông Văn Trần Hoàn. Câu chuyện vì sao các CLB lại không ủng hộ các ý kiến tưởng như sẽ bảo vệ quyền lợi cho các đội bóng thì ông Vũ Tiến Thành và Văn Trần Hoàn còn phải vắt tay lên đầu suy nghĩ.
|
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã điều hành đại hội rất tài tình. Ảnh VPF |
Mọi việc diễn ra công khai và đúng luật nhưng người ta vẫn thấy được sự khéo léo của người điều hành đại hội, tiến lui đều rất chuẩn chỉ. Nhìn 3 khuôn mặt mới được bầu vào HĐQT VPF gồm Chủ tịch CLB SHB.Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SLNA Trương Sỹ Bá và đại diện CLB TPHCM Nguyễn Cao Trí, thêm một lần nữa người thấy cái tài tình của các nhà làm công tác tổ chức nhân sự của VPF.
Các khuôn mặt đại diện cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp vừa có tính vùng miền, vừa mới-cũ, đặc biệt SLNA thuộc nhóm 6 CLB đòi đại hội bất thường nay đã có tên trong HĐQT VPF. Kỳ tài, khi bầu Tú biết biến việc khó thành dễ, chuyện to thành nhỏ, chèo chống xuất sắc.
Bóng chưa lăn nhưng mọi việc đã nóng lên. Điều này báo hiệu V.League 2022 và giải hạng Nhất sẽ chứa đựng rất nhiều kịch tính, căng thẳng khi bóng đá chuyên nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều nhân vật tên tuổi tham gia. Chắc chắn, VPF sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều khi đưa ra các quyết định về công tác tổ chức, trọng tài. Với một khía cạnh nào đó, đây là mặt tích cực, đáng mừng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.