Một nhà hàng không bóng khách ở Paris, Pháp (Ảnh: Bloomberg)
Một nhà hàng không bóng khách ở Paris, Pháp (Ảnh: Bloomberg)

E-magazine "Vòng xoáy" lạm phát ở châu Âu: Người dân thắt lưng buộc bụng, thực phẩm sắp hết hạn 'lên ngôi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Châu Âu đang phải đối diện với một thực tế kinh tế mới mà họ chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ: Họ trở nên nghèo hơn.

tải xuống.jpg
Một nhà hàng không bóng khách ở Paris, Pháp (Ảnh: Bloomberg)

Người dân thắt lưng buộc bụng

Cuộc sống từ lâu được nhiều người thèm khát ở châu Âu giờ đang mất dần đi vẻ hào nhoáng của nó, khi người dân ở lục địa này chứng kiến sức mua của họ giảm sút.

Người Pháp đang ăn ít món gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Tây Ban Nha đang tiết kiệm dầu ô liu. Người Phần Lan được kêu gọi sử dụng phòng xông hơi vào những ngày gió, khi năng lượng rẻ hơn. Ở khắp nước Đức, tiêu thụ thịt và sữa đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và thị trường thực phẩm hữu cơ từng có thời bùng nổ giờ chìm vào suy thoái. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Italy Adolfo Urso, đã tổ chức một cuộc họp khẩn trong tháng 5 do giá mì ống, món thực phẩm chủ lực của nước này, tăng hơn gấp đôi tỷ lệ lạm phát.

Trong lúc chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh, châu Âu đã trượt vào suy thoái từ hồi đầu năm nay.

1.png
Người dân Mỹ trở nên giàu hơn, trong khi người châu Âu nghèo đi (Ảnh: OECD)

Tình trạng khó khăn của châu Âu hiện nay đã hình thành từ lâu. Dân số già thích nghỉ ngơi và đảm bảo việc làm hơn là tăng thu nhập trong suốt nhiều năm đã làm giảm sản lượng và đà tăng trưởng kinh tế. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho các chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, và làm trầm trọng hơn “những căn bệnh” đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ ở châu Âu.

Phản ứng của chính phủ các nước chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Để bảo vệ việc làm, họ chủ yếu hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, để cho người dân thiếu tiền ngay trong khi gặp cú sốc về giá. Ngược lại, người Mỹ lại được hưởng giá năng lượng thấp và các gói hỗ trợ trực tiếp chủ yếu nhằm vào người dân để giúp họ tiếp tục chi tiêu.

Nếu là trước đây, ngành công nghiệp xuất khẩu đáng gờm của châu Âu có lẽ đã cứu được nền kinh tế của họ. Nhưng đà phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, vốn là thị trường quan trọng của châu Âu, đã làm suy yếu cột trụ tăng trưởng đó. Giá năng lượng cao hơn cùng với lạm phát ở mức kỷ lục kể từ những năm 1970 đang làm suy yếu lợi thế về giá của các nhà sản xuất trên các thị trường quốc tế, và phá vỡ mối quan hệ lao động hài hoà trước đây của lục địa này. Khi thương mại toàn cầu giảm nhiệt, sự phụ thuộc nặng nề của châu Âu vào xuất khẩu – chiếm khoảng 50% GDP của eurozone – đang trở thành một điểm yếu.

im-817793.jpg
Một người phụ nữ lớn tuổi rời khỏi một trung tâm phân phối thực phẩm bên trong nhà thờ ở Berlin, Đức (Ảnh: AP)

Thực phẩm sắp hết hạn lên ngôi

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tiêu dùng cá nhân đã giảm khoảng 1% trong 20 quốc gia thuộc eurozone từ cuối năm 2019, sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Trong khi đó, ở Mỹ, nơi các hộ gia đình được hưởng lợi từ thị trường lao động mạnh mẽ và thu nhập gia tăng, tiêu dùng đã tăng gần 9%. EU giờ chiếm khoảng 18% tổng chi tiêu tiêu thụ toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm tới 28%. So với 15 năm trước, EU và Mỹ đều chiếm khoảng 25%.

Điều chỉnh theo lạm phát và sức mua, lương đã giảm khoảng 3% kể từ năm 2019 ở Đức, giảm 3,5% ở Italy và 6% ở Hy Lạp. Trong cùng giai đoạn, lương thực tế ở Mỹ đã tăng khoảng 6%, theo dữ liệu từ OECD.

Tầm tác động còn ảnh hưởng tới cả tầng lớp trung lưu. Ở Brussels, một trong những thành phố giàu nhất châu Âu, giáo viên và y tá xếp hàng dài trong một buổi tối gần đây để mua tạp phẩm giảm giá từ phía sau thùng một chiếc xe tải. Bên bán hàng, Happy Hours Market, đã thu gom thực phẩm sắp hết hạn từ các siêu thị và quảng cáo chúng trên một ứng dụng. Khách hàng có thể đặt hàng từ đầu giờ chiều và đến lấy hàng giảm giá vào buổi tối.

“Một số khách hàng nói với tôi rằng, nhờ có tôi mà họ được ăn thịt 2 hoặc 3 lần mỗi tuần”, Pierre van Hede, người vận chuyển tạp phẩm, nói.

im-817792.jpg
Một quầy bán thịt ở Berlin, Đức (Ảnh: WSJ)

Karim Bouazza, y tá 33 tuổi tìm đến xe tiếp tế để mua thịt và cá với giá chỉ một nửa cho vợ và 2 con. Ông phàn nàn về tình trạng lạm phát, “gần như tôi phải làm thêm công việc thứ hai mới đủ chi trả cho mọi thứ”, ông nói.

Nhiều dịch vụ bán rẻ tương tự xuất hiện khắp khu vực, tự tiếp thị rằng đây là cách để giảm rác thải từ thực phẩm và tiết kiệm tiền. TooGoodToGo, một công ty được sáng lập ở Đan Mạch vào năm 2015 chuyên bán thực phẩm bị bỏ từ các nhà hàng và hãng bán lẻ, có 76 triệu người dùng đăng ký khắp châu Âu, gần gấp 3 lần so với con số thời điểm cuối năm 2020.

Ở Đức, Sirplus, một startup được thành lập năm 2017, cung cấp thực phẩm “cứu trợ”, bao gồm các sản phẩm đã quá hạn, trên cửa hàng trực tuyến của họ. Giống như vậy, công ty Motatos, được thành lập ở Thuỵ Điển năm 2014 và giờ hiện diện ở cả Phần Lan, Đức, Đan Mạch và Anh.

Chi tiêu vào các loại hàng hoá giá cao gần như sụp đổ. Người Đức tiêu thụ 52 kg thịt mỗi người trong năm 2022, giảm khoảng 8% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1989. Mặc dù một số người phản ánh quan ngại về ăn uống không lành mạnh, nhưng giới chuyên gia cho rằng xu hướng này đang gia tăng nhanh chóng do giá thịt tăng tới 30% trong những tháng gần đây. Người Đức cũng đang chuyển từ dùng thịt bò và bê sang các loại rẻ tiền hơn như thịt lợn, theo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Liên bang Đức.

Thomas Wolff, một nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ gần Frankfurt, cho hay doanh số bán của ông đã giảm tới 30% trong năm ngoái do lạm phát tăng. Wolff nói rằng trước đó, hồi đầu đại dịch, ông đã thuê 33 người để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao, nhưng rồi sau đó phải cắt giảm nhân công.

Ronja Ebeling, cố vấn 26 tuổi ở Hamburg, cho hay cô phải tiết kiệm 1/4 thu nhập của mình, một phần là bởi lo ngại không đủ tiền lúc nghỉ hưu. Cô chi tiêu ít tiền hơn cho quần áo, trang điểm, và dùng chung xe ô tô với người khác.

im-817781.jpg
Một số du khách tận hưởng thời tiết ấm bên khu nghỉ dưỡng S’Arenal on Mallorca (Ảnh: Zuma)

Thị trường Châu Âu kém hấp dẫn hơn

Chi tiêu yếu và triển vọng nhân khẩu học kém cũng khiến châu Âu kém hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp, từ tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble cho tới đế chế hàng xa xỉ LVMH.

“Người tiêu dùng Mỹ chi tiêu nhiều hơn so với châu Âu”, Giám đốc tài chính của Unilever, Graeme Pitkethly, nói.

Theo dữ liệu từ IMF, nền kinh tế Eurozone đã tăng trưởng khoảng 6% trong 15 năm qua, trong khi Mỹ đạt tăng trưởng 82%. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia thành viên EU và mọi bang ở Mỹ, chỉ trừ Idaho và Mississippi, theo báo cáo từ Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu. Nếu xu hướng này tiếp tục, dự kiến đến năm 2035, khoảng cách về sản lượng kinh tế trên đầu người giữa Mỹ và EU sẽ tương đương với khoảng cách giữa Nhật Bản và Ecuador hiện tại.

Đà tăng trưởng yếu và lãi suất tăng cao cũng gây sức ép cho quỹ phúc lợi vốn hào phóng của các nước châu Âu, thường cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và lương hưu. Chính phủ các nước châu Âu nhận thấy rằng những công thức cũ để giải quyết vấn đề hoặc không khả thi hoặc không còn tác dụng. Khoảng 3/4 trong tổng số 1 nghìn tỉ euro tiền trợ cấp, giảm thuế và các dạng ưu đãi khác đã được chuyển tới tay người tiêu dùng và doanh nghiệp để bù đắp cho giá năng lượng cao hơn – điều mà các nhà kinh tế học tin rằng đã làm tăng lạm phát, đi ngược lại mục đích của trợ cấp.

im-817780.jpg
Ngân hàng Anh đã nâng lãi suất liên tục để chống lạm phát (Ảnh: Bloomberg)

Các khoản cắt giảm chi tiêu công sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho hệ thống chăm sóc y tế của châu Âu thiếu nguồn tài chính, đặc biệt là ở Anh.

Vivek Trivedi, bác sĩ gây mê 31 tuổi sống ở Manchester (Anh), kiếm được khoảng 67.000 USD mỗi năm nhờ làm việc 48 giờ mỗi tuần. Lạm phát, ở mức khoảng trên 10% tại Anh trong gần một năm, đang ảnh hưởng đến ngân sách chi tiêu hàng tháng của ông. Trivedi cho hay ông phải đi mua tạp phẩm tại các hãng bán lẻ giảm giá và chi ít tiền hơn để mua thịt.

Huw Pill, kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh Quốc, đã cảnh báo người dân Anh trong tháng 4 rằng họ cần chấp nhận thực tế họ đang trở nên nghèo hơn và không nên đòi hỏi tăng lương. “Phải, tất cả chúng ta đều nghèo đi”, ông nói và thêm rằng việc tìm cách bù giá tăng bằng tăng lương chỉ khiến lạm phát trầm trọng hơn.

Trong lúc chính phủ các nước châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng và chi phí vay mượn tăng, các nhà kinh tế học dự báo rằng thuế sẽ tăng, càng gây sức ép cho người tiêu dùng. Thuế ở châu Âu vốn đã cao nếu so với các nước giàu khác, tương đương khoảng 40-45% GDP trong khi ở Mỹ chỉ là 27%. Người lao động Mỹ mang về nhà gần ¾ tiền lương của họ, bao gồm thuế thu nhập và thuế an sinh xã hội, trong khi lao động Pháp và Đức chỉ được giữ một nửa./.

Theo Wall Street Journal