Vốn Nhà nước chỉ còn 36% tại Vinalines

Bộ GTVT thống nhất trình Chính phủ phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) với tỉ lệ phần vốn Nhà nước chỉ còn 36%.
Vinalines sẽ thoái vốn toàn bộ tại Công ty CP Cảng Quảng Ninh sau khi CPH.
Vinalines sẽ thoái vốn toàn bộ tại Công ty CP Cảng Quảng Ninh sau khi CPH.

Vốn điều lệ trên 9 nghìn tỷ đồng

Báo cáo phương án cổ phần hóa (CPH) Vinalines, Tổng giám đốc Lê Anh Sơn cho biết, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) hiện là 8.964 tỉ đồng. “Con số này được xác định sau khi đã trừ đi hơn 12.300 tỷ đồng tổng nợ phải trả”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, CPH tại Vinalines là sự kết hợp giữa việc vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ là 9.100 tỉ đồng (gồm vốn Nhà nước xác định là 8.964 tỉ đồng và giá trị Vinalines Nha Trang bàn giao sang khoảng 172 tỉ đồng).

Theo ông Lê Anh Sơn, các năm từ 2015 đến 2019, Vinalines đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế/doanh thu lần lượt là 153,6 tỷ, 59,2 tỷ, 43,5 tỷ và 262 tỷ đồng đồng. Tỉ lệ trả cổ tức tương ứng là 1,52%, 0,59%, 0,43%, 1,47%, 2,6%. Thu nhập người lao động bình quân tăng dần từ 8,5 triệu/tháng lên 10,5 triệu đồng/tháng năm 2019.

Cơ cấu vốn điều lệ của công ty sẽ gồm: Cổ phần của Nhà nước 36%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%, cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV 0,20%, cổ phần bán ưu đãi cho CNCNV mua theo số năm làm việc tại khu vực Nhà nước 0,12%, cổ phần bán cho CBCNV mua theo số năm cam kết làm việc tiếp tục cho DN cổ phần và chuyên gia giỏi 0,08%, cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn 0,05%, cổ phần bán ra bên ngoài 33,75% (trong đó, bán cho nhà đầu tư là chủ nợ chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp 3,39% và cổ phần bán đấu giá công khai 30,36%).

Sau khi CPH, Tổng công ty (TCT) sẽ thoái vốn, giải thể hoặc làm thủ tục phá sản các DN hoạt động không hiệu quả về mặt tài chính hoặc không phù hợp với chiến lược phát triển của TCT. Trong đó, TCT sẽ thoái vốn toàn bộ tại 11 DN gồm: Công ty CP cảng Quy Nhơn, Công ty CP cảng Quảng Ninh Công ty CP cảng Đoạn Xá, Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài, Công ty CP Container phía Nam, Công ty CP Vận tải biển Hải Âu, Công ty CP Xây dựng thương mai dịch vụ tổng hợp cảng Sài Gòn, Công ty CP Chứng khoán Thủ Đô, Công ty CP Hàng hải Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Phong.

Tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần là 1.591 người/1.614 người tại thời điểm công bố giá trị DN cổ phần. Giá khởi điểm cổ phần bán đấu giá công khai là 10 ngàn đồng/cổ phần. Cổ đông chiến lược sẽ được xác định sau khi bán đấu giá cổ phần.

Ba mảng hoạt động chính sau CPH

Sau CPH, ông Sơn cho biết Vinalines sẽ tập trung vào 3 mảng hoạt động chính, gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Theo đó, đội tàu vận tải sẽ được tái cơ cấu theo hướng trẻ hóa và hiện đại hóa, tập trung khai thác nhóm tàu hàng rời có tải trọng 80 nghìn -150 nhìn DWT, tàu container từ 600 - 2 nghìn TEU, thị phần chiếm 20% hàng nội địa và 25% hàng xuất nhập khẩu. Những cảng trọng điểm sẽ được đầu tư phát triển theo quy hoạch, đến 2020 đảm nhận 30% sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước. Đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng logistics, hình thành hệ thống logistics kết nối các trung tâm phân phối hàng hóa trong cả nước, cung ứng dịch vụ “door to door” (từ cửa đến cửa).

Đây là phương án tốt nhất, trong bối cảnh thị trường vận tải biển còn rất khó khăn. Tới năm 2019 Vinalines sẽ giải quyết hết nợ và cân đối được dòng tiền. Khi đó, tình hình tài chính sẽ minh bạch và lành mạnh hơn, các ngân hàng tin tưởng hơn”, ông Sơn nói.

Chỉ đạo phải CPH bằng được Vinalines, đảm bảo tiến độ, chất lượng tại cuộc họp ngày 18/3, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, phương án CPH xây dựng không chỉ để CPH vốn Nhà nước giữ còn 36%, mà quan trọng là phải giải quyết được những vấn đề còn tồn tại để Vinalines tiếp tục phát triển. Do đó, Vinalines phải lường trước được những vấn đề sau CPH và chủ động xây dựng kế hoạch và các giải pháp triển khai.

“Trước 31/3, Vinalines phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH và trong năm nay sẽ tiến hành Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Vinalines”, Thứ trưởng yêu cầu.

Xử lý tài chính khi chuyển giao cảng Nha Trang

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý tài chính khi thực hiện chuyển giao cảng Nha Trang từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về UBND tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty Cổ phần Vinpearl Nha Trang. Giá chuyển nhượng thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thẩm định của tổ chức có chức năng tư vấn, thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Số cổ phần còn lại (15.070 triệu cổ phần) chuyển cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước theo hình thức bàn giao vốn Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines xây dựng phương án xác định vốn điều lệ và phương án cổ phần hóa theo hướng giảm nguồn vốn chủ sở hữu tại Vinalines tương ứng với giá trị cổ phần chuyển giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý.

Theo GTVT