Cổ tức bằng cổ phiếu và áp lực tăng vốn của các “ông lớn” ngân hàng

VietTimes -- Không phải ngẫu nhiên mà trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra mới đây, bên cạnh các báo cáo tổng quan về kết quả hoạt động tích cực năm 2018, người đứng đầu các nhà băng quốc doanh đều nhắc tới việc tăng vốn trong các năm tiếp theo. Trong đó, “bức thiết” và “cấp bách” là những từ ngữ đáng chú ý được giới truyền thông ghi lại.
Tăng vốn sẽ là câu chuyện chính của các "ông lớn" ngân hàng năm 2019?
Tăng vốn sẽ là câu chuyện chính của các "ông lớn" ngân hàng năm 2019?

Cổ tức bằng cổ phiếu sẽ “lên ngôi”?

Được dự báo sẽ giữ vị trí số 1 về lợi nhuận, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB) đã đánh dấu năm 2018 thành công về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trao quyết định thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II trước thời hạn.

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Vietcombank tiếp tục công bố thông tin tích cực về việc hoàn thành phát hành riêng lẻ cho GIC Private Limited (GIC) và Mizuho Bank Ltd (Mizhuho) để thu về 6.200 tỷ đồng. “Đính kèm” với đó là chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2019 trong một số lĩnh vực.

Với các kết quả nêu trên, cổ đông và nhà đầu tư hoàn toàn có quyền đặt kỳ vọng vào việc Vietcombank sẽ trả cổ tức bằng tiền năm 2018 như "thông lệ" trong các năm trước. Tuy nhiên, với các phát biểu mới đây của người đứng đầu ngân hàng này, kỳ vọng đó cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT VCB lại đề nghị được trả cổ tức “bằng cổ phiếu” nhằm tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) và cũng “xin” cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước khác được “tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp”.

Khác với các thông điệp được truyền tải khá “điềm tĩnh” từ người đứng đầu Vietcombank, “tăng vốn là đặc biệt cấp bách” theo như chia sẻ tại hội nghị của ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã CK: CTG).

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, phát biểu tại hội nghị (Nguồn: Internet)
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, phát biểu tại hội nghị (Nguồn: Internet)

Sự lo lắng của người đứng đầu VietinBank là có cơ sở.

Ông Thọ cho biết do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn. Chỉ số tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt mức 6,1% cho cả năm 2018.

Cũng theo ông Lê Đức Thọ, việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn khi nguồn vốn của ngân hàng không được đáp ứng đủ. Để giải quyết nhu cầu tăng vốn (cụ thể là vốn điều lệ) cho VietinBank, một trong những giải pháp được ông Thọ đề nghị là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020.

Nhìn rộng ra, các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh đang tìm cách để gia tăng nguồn vốn nhằm ít nhất giải quyết được “bài toán” hệ số an toàn khi thời điểm tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn Basel II vào năm 2020 đang tới gần.

Bài toán khó cho các “ông lớn” ngân hàng

Với việc sở hữu lượng cổ phần chi phối, cổ đông Nhà nước mới là người có quyền quyết định việc trả cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu. Và phương án được lựa chọn thường là tiền mặt.

Điều này xuất phát từ nhu cầu có phần “đặc biệt”. Nguồn tiền từ cổ tức các ngân hàng quốc doanh đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào thu ngân sách nhà nước (NSNN) mỗi năm. Tuy vậy, càng tới sát thời điểm áp dụng chuẩn mực Basel II, việc lựa chọn ưu tiên giữa “hệ số an toàn” của ngành ngân hàng hay “ngân sách nhà nước” là chủ đề gây nhiều tranh luận.

Vào tháng 6/2016, thị trường tài chính xôn xao trước thông tin Bộ Tài chính gửi công văn tới người đứng đầu NHNN thực hiện “chỉ đạo” người đại diện phần vốn Nhà nước tại VietinBank và BIDV biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt để bổ sung nguồn thu vào NSNN.

Cần lưu ý rằng, trước đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của BIDV đã “chốt” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%; còn VietinBank, thậm chí, không chia cổ tức năm 2015.

Tình huống này được các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích khá chi tiết trong một báo cáo. Cụ thể:

“Nếu BTC (Bộ Tài chính) chấp nhận nhận cổ tức dưới dạng cổ phiếu, BIDV cũng như các DNNN (Doanh nghiệp Nhà nước) khác sẽ có cơ hội mở rộng vốn để phát triển hoạt động kinh doanh. Hậu quả là trong ngắn hạn, NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn, dù trong dài hạn có thể thu được nhiều hơn.

Ngược lại, nếu BTC yêu cầu nhận cổ tức bằng tiền mặt, các NHTM Nhà nước nói chung cũng như các DNNN nói riêng khó có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong điều kiện hiện tại”.

Sẽ không khó để tìm lại các thông tin trả cổ tức của các NHTM Nhà nước trong thời gian 2015 - 2017 để biết được sự lựa chọn sau cùng của BTC.

Trong 3 năm qua, trong khi các NHTM tư nhân dễ dàng được cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, các NHTM Nhà nước vì nhiều nguyên nhân và các điều kiện ràng buộc lại khó có thể thực hiện tăng vốn theo phương thức này.

Một số chuyên gia nhận định thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II phụ thuộc chủ yếu vào 3 ngân hàng (do Nhà nước nắm quyền chi phối) là Vietinbank, BIDV và Vietcombank.

Trong số các ngân hàng này, cho tới nay chỉ có Vietcombank là được NHNN công nhận áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn, việc bán một phần vốn cho đối tác nước ngoài cũng khiến áp lực tăng vốn của ngân hàng này được giảm bớt.

Tương tự, BIDV cũng sắp được giải tỏa áp lực tăng vốn khi công bố chính thức về đối tác ngoại sẽ mua lại 603 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ vào năm 2019.

Còn VietinBank, cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về đối tác ngoại. Hơn ai hết, người đứng đầu ngân hàng này đang chịu nhiều áp lực hơn cả.

Cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động có thể sẽ làm “phiền lòng” các cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông tổ chức và cả cổ đông Nhà nước (vì sẽ thiếu hụt đi một nguồn thu cho NSNN).

Nhưng đối với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn vay tại Việt Nam, các giải pháp giúp hệ thống ngân hàng “khỏe mạnh” hơn để làm “điểm tựa” cho phát triển bền vững sẽ là điều cần phải cân nhắc ưu tiên hơn cả./.