Vốn cho hạ tầng giao thông: NSNN chỉ đáp ứng được 30%

Thông tin này được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng ngày 13/6/2015.
Vốn cho hạ tầng giao thông: NSNN chỉ đáp ứng được 30%

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng rất lớn, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Đến nay, khung khổ pháp lý cơ bản được hình thành, đã huy động theo hình thức BOT, BT. Doanh nghiệp tự đầu tư được 203 nghìn tỷ đồng cho 71 dự án đường bộ và 158 nghìn tỷ đồng cho hệ thống cảng biển, thiết bị bốc xếp. Hầu hết hệ thống cảng, bến trên đường thủy nội địa do các doanh nghiệp tự đầu tư khoảng 19 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường bộ; khoảng 44 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, bằng 43% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 13 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bằng 40% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 56 nghìn tỷ đồng vào hệ thống cảng hàng không và khoảng 14 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ga, kho bãi, khu dịch vụ đường sắt.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi: Xã hội hóa giao thông có phải là tư nhân hóa các công trình giao thông quan trọng của quốc gia hay không? Dự án nâng cấp quốc lộ 1 đã về đích trước thời hạn trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, phải huy động từ nhiều nguồn khác. Xin cho biết cơ chế huy động quản lý các nguồn vốn ngoài ngân sách? Làm sao để chống thất thoát nguồn vốn này vì suy cho cùng người trả tiền cũng là nhân dân.

Đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời như sau: Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho thấy nhu cầu về xây dựng hạ tầng giao thông thời gian tới cần đến 1.015 tỷ đồng - ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được trên 30%.

“Bài toán đặt ra là huy động nhân dân phải đóng góp với các hình thức khác nhau. Ngày trước chúng ta đánh giặc là phải toàn dân, bây giờ phát triển kinh tế xã hội quốc phòng cũng phải toàn dân chung sức”.

Phó Thủ tướng khẳng định xã hội hóa giao thông không đồng nhĩa là tư nhân hóa. Các hình thức góp vốn đầu tư, nhà đầu tư sẽ thu phí, hoàn vốn rồi trả lại cho nhà nước chứ không phải tư nhân hóa công trình.

“Xã hội hóa nhưng không buông lỏng quản lý của nhà nước. Nhà nước vẫn phải quản giá thu phí, chuyển nhượng dự án và đặc biệt là quản lý đất đai. Phải quản lý sao cho cả nhân dân, nhà đầu tư và Nhà nước đều có lợi” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, cơ chế đầu tư là theo cơ chế BOT- xây dựng, kinh doanh, chuyển giao. Chất lượng công trình phải bảo hành 4 năm, khi giải ngân phải có 4 nhà giám sát kiểm tra chất về chất lượng, chọn nhà đầu tư phải minh bạch.

Theo Trí thức trẻ