“Vòm sắt” Israel đánh chặn tên lửa trong cuộc chiến với Palestine

VietTimes -- Tối ngày 17.12.2017, lực lượng nổi dậy  người Palestine phóng 2 tên lửa tự chế Qassam từ dải Gaza vào miền Nam Israel. Một tên lửa rơi xuống sân ngôi nhà trong khu vực Hof Ashkelon, quả tên lửa khác rơi ra ra ngoài hoang mạc không có tổn thất về sinh mạng và hạ tầng cơ sở.
Tên lửa Grad được phóng lên từ phía dải Gaza - ảnh minh họa Masdar News
Tên lửa Grad được phóng lên từ phía dải Gaza - ảnh minh họa Masdar News

Đây là tên lửa thứ 18 được phóng từ Gaza trong vòng 9 ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Phóng tên lửa vào các khu dịnh cư người Do Thái là những hoạt động thường xuyên của các tổ chức nổi dậy Palestine, đáp trả các động thái quân sự của quân đội Israel trên khu Bờ Tây và Dải Gaza.

Người dân Israel thường xuyên phải sống trong tình trạng báo động, mặc dù tính đến thời điểm này, những tổn thất gây ra từ các vụ phóng tên lửa của các nhóm dân quân người Palestine không lớn.

Một quả tên lửa tự chế rocket rơi vào nhà người dân Israel - video Ynet, Roy Idan

Ngày 12.12.2017, phong trào Hamas tuyên bố bắt đầu cuộc nổi dậy lần thứ 3 (intifada). Trước đó, kể từ tháng 8.2017, các chiến binh Hamas đã phóng tên lửa vào vùng định cư của người Do Thái. Ngày 07.12, Hamas được cho là đã phóng 7 tên lửa. Từ ngày 08.12.2017 đến ngày 13.12.2017, Hamas và các nhóm thánh chiến khác đã phóng 13 tên lửa vào các khu dân cư Israel. Hệ thống phòng thủ tên lửa "Iron Dome" của Israel đánh chặn thành công 4 tên lửa, 2 tên lửa khác rơi vào thành phố Sderot, phá hủy một số xe hơi và một nhà mẫu giáo.

Tên lửa tự chế Qassam

Hệ thống Kipat Barzel (Iron Dome) khởi điểm ban đầu được phát triển nhằm đánh chặn các đạn súng cối hạng nặng, các tên lửa không điều khiển nhỏ, do các thợ thủ công người Palestine trên Dải Gaza chế tạo. Thuật ngữ "Qassam" dùng để chỉ tất cả các loại tên lửa tự chế không điều khiển, chế tạo bằng ống sắt dân dụng trong khu vực tự trị của người Palestine, mang theo khoảng từ 10-20 kg chất nổ. Thứ "vũ khí báo thù" này sử dụng nhiện liệu được chế từ hỗn hợp đường và phân bón.

“Vòm sắt” Israel đánh chặn tên lửa trong cuộc chiến với Palestine ảnh 1Tên lửa tự chế của các nhóm nổi dậy Palestine Qassam - Reuters

Tên lửa Qassam có tầm bắn tối đa khoảng 15 – 16 km, hoàn toàn không có độ chính xác nào. Israel là một quốc gia nhỏ và đông dân cư, các khu đô thị là mục tiêu chủ yếu của Hamas và các nhóm nổi dậy khác, do đó tên lửa trở thành loại vũ khí nguy hiểm đối với dân thường do đầu đạn dễ dàng lao vào một khu định cư, gây thương vong và phá hủy cơ sở vật chất.

Tên lửa Qassam lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc nổi dậy (intifada) thứ hai mùa thu năm 2001. Trong cuộc tấn công đầu tiên, thành phố Sderot bị trúng 4 quả tên lửa. Trước đó, các nhóm nổi dậy người Palestine cũng nhiều lần pháo kích bằng đạn súng cối từ dải Gaza vào các khu dân cư và doanh trại của quân đội Israel.

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, những vụ tập kích tên lửa đòi hỏi Israel phải có biện pháp đối phó. Nhưng vấn đề đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả với tên lửa tự chế chỉ được quyết định trong cuộc chiến Lebanon lần thứ hai năm 2006, khi một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Li-băng khiến 50 thường dân Israel thiệt mạng.

Sự phát triển của “Vòm sắt”

Hệ thống đánh chặn tên lửa tự chế bắt đầu phát triển vào năm 2005, tên lửa Tamir lần đầu tiên được thử nghiệm năm 2008, năm 2011, khẩu đội tên lửa đầu tiên được triển khai. Năm 2014, Israel có 10 khẩu đội phòng thủ tên lửa "Iron Dome", theo kế hoạch sẽ là 15 khẩu đội.

Một khẩu đội “Iron Dome” bao gồm có một radar đa nhiệm EL/M-2084 do Israel sản xuất, xe điều khiển hỏa lực và xe phóng được trang bị tên lửa đánh chặn Tamir. Tên lửa phòng không Tamir dài 3 m, nặng 90 kg (trong đó có 11 đầu đạn), tốc độ bay đạt 700 m/s.

Một khẩu đội tên lửa bao gồm một đài radar, 3 xe phóng tên lửa bệ phóng nghiêng, mỗi xe phóng được nạp 20 tên lửa Tamir. Hệ thống có khả năng bảo vệ được một khu vực có diện tích 150 km2. Giá thành của một khẩu đội khoảng 50 triệu USD.

“Vòm sắt” Israel đánh chặn tên lửa trong cuộc chiến với Palestine ảnh 2Tổ hợp tên lửa Vòm sắt - ảnh Reuters

Tính năng kỹ chiến thuật của “Iron Dome” phát triển dựa trên phương pháp tấn công của tên lửa Qassam, đó là số lượng lớn và độ chính xác thấp. Theo thống kê các cuộc tấn công thì chỉ có khoảng 15–20% các tên lửa được phóng đi đe dọa các khu dân cư hoặc các căn cứ quân sự, số còn lại hoặc rơi tản mát quanh mục tiêu hoặc không bay đến mục tiêu. Chính vì vậy, hệ thống điều khiển của Iron Dome có một tính năng quan trọng là tính toán quỹ đạo đường bay của tên lửa đối phương và chỉ đánh chặn các tên lửa có nguy cơ đe dọa các khu dân cư hoặc căn cứ quân sự.

Những tính năng chiến thuật của Vòm sắt cho phép không chỉ đánh chặn các tên lửa tự chế mà còn có thể đánh chặn các tên lửa tiêu chuẩn của hệ thống pháo phản lực (tương tự như tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad) có tầm bắn từ 35–40 km. Hệ thống theo yêu cầu kỹ thuật có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay theo đạn đạo, có tầm bắn đến 70 km.

Trung tướng Gadi Eizenkot, hiện là tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, trước đó là tư lệnh trưởng quân khu phía bắc đã nhận xét, khẩu đội Vòm sắt có nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ các mục tiêu quân sự, các căn cứ cơ động chiến đấu của quân đội Israel trong các chiến dịch tấn công lớn, nhiệm vụ thứ yếu là bảo vệ các khu dân cư. Nhưng sau đó, các khẩu đội phòng thủ tên lửa này được triển khai để bảo vệ các thành phố, thị trấn phía nam Israel, thường xuyên bị các cuộc tập kích bằng tên lửa Qassam.

Từ mùa thu năm 2014, Israel phát triển thêm phiên bản hàng hải C-Dome của Iron Dome, thử nghiệm thành công tháng 11. 2017. Thời điểm ban đầu, theo tuyên bố trên báo giới, hệ thống được thiết kế để bảo vệ các giàn khoan dầu trên thềm lục địa, chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Đặc điểm nhận biết đầu tiên dành cho mục đích quân sự là hệ thống ống phóng thẳng đứng, sau khi phóng khỏi ống phóng, động cơ sẽ chuyển tên lửa sang quỹ đạo đánh chặn.

Mùa hè năm 2016, hệ thống Vòm sắt vượt qua những cuộc thử nghiệm thực tế phức tạp chống lại hỏa lực của các tổ hợp pháo phản lực, hơn thế nữa là chống lại cuộc tấn công của bom điều khiển chính xác JDAM. Những thử nghiệm này cho thấy, công nghiệp quốc phòng Israel đang phát triển Vòm sắt như một hệ thống phòng không tầm gần, với nhiệm vụ trọng tâm là đánh chặn các cuộc tấn công đường không. Đây mới thực sự là yêu cầu nhiệm vụ then chốt của tổ hợp tên lửa phòng không trên đất liền và trên biển.

Trước đó, trong năm 2015, Vòm sắt cũng được thử nghiệm khả năng chống máy bay không người lái.

Nếu so sánh với các tổ hợp tên lửa phòng không chủ lực Patriot của Israel, tổ hợp Vòm sắt có giá thành tương đối rẻ, hiệu quả về kinh tế trong sứ mệnh giải quyết những nhiệm vụ đặt ra. Hạn chế của Vòm sắt là vùng bao phủ của radar không lớn như các hệ thống phòng không tiêu chuẩn khác.

Hiệu quả tác chiến của Vòm sắt

Theo nhưng thông tin của nhà sản xuất, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael, mùa xuân năm 2016, "Dome" phóng tên lửa đánh chặn hơn 1,5 nghìn mục tiêu, hiệu quả tác chiến đạt gần đến 90%.

Theo thông tin từ cơ quan báo chí quân đội Israel, trong tình trạng căng thẳng nhất của cuộc chiến năm 2014 (Chiến dịch "Vách đá không thể hủy diệt - Indestructible Rock"), các khẩu đội Vòm sắt đã bắn rơi 735 tên lửa Qassam, đạt hiệu suất 87-90%. Trong chiến dịch "Cột mây - Cloud Pillar" năm 2012, các khẩu đội Vòm sắt phóng 421 tên lửa, đạt hiệu suất đánh chặn 86%.

“Vòm sắt” Israel đánh chặn tên lửa trong cuộc chiến với Palestine ảnh 3Tên lửa Vòm Sắt đánh chặn mục tiêu - ảnh Global Look Press

Đương nhiên, ý kiến này không được tất cả mọi người ủng hộ. Nhà phân tích nổi tiếng Theodore Postol của Viện Công nghệ Massachusetts, thường xuyên thực hiện các phân tích  "giật màn che" ngành công nghiệp tên lửa và không gian của phương Tây, khẳng định rằng theo tính toán của ông, "Dome" chỉ có thể phá hủy các đầu đạn tên lửa với hiệu suất không quá 6-12% so với hiệu suất lý thuyết, trên thực tế "có thể là 5% hoặc thậm chí thấp hơn".

Ông Postol thậm chí còn cho rằng, đánh chặn không được gọi là thành công, nếu như đầu đạn tên lửa không bị phá hủy trong không trung, do các trường hợp bị đánh lệch khỏi quỹ đạo bay, tên lửa vẫn rơi xuống khu dân cư và gây tổn thất.

Ông Postol đưa ra tuyên bố này tương tự như các tuyên bố nổi tiếng về hiệu quả tác chiến của hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong cuộc chiến tranh Iraq, sử dụng những video mà người dân đã quay được bằng điện thoại thông minh quay lại các cảnh đánh chặn tên lửa.

Các chuyên gia tên lửa Israel chỉ trích kịch liệt bản báo cáo của Postol, cho rằng tác giả không có số liệu thống kê đáng tin cậy về hoạt động chiến đấu của tổ hợp, những tính toán hình học vụ va chạm tên lửa với mục tiêu không đúng.

Một số chuyên gia khác chỉ trích về giá thành tổ hợp. Theo những tính toán ban đầu thì trị giá của một tên lửa Tamir khoảng 40–45 nghìn USD, giá thành năm 2016 dự đoán khoảng 70 nghìn USD, truyền thông Israel cũng đã từng nhắc đến con số trên 100 nghìn USD.

Đó là sự chênh lệch rất lớn do tên lửa Qassam, nếu tính chi tiết cả về kích thước, nguyên vật liệu và tầm bắn sẽ có giá trên Dải Gaza khoảng từ 150–200 USD cực đại đến 800 USD. Tên lửa Grad 122 mm, chuyển lậu từ Đông Âu và Iran được bán với giá khoảng 1.000 USD.

Tất nhiên, những chỉ trích về kinh tế không làm ảnh hưởng đến Vòm sắt. Người dân Israel, mất hơn 6 triệu người trong giai đoạn Holocaust (Đại chiến thế giới lần thứ II) không hề tính toán cho việc đảm bảo an ninh.

Từ quan điểm bảo vệ sinh mạng người dân, Vòm sắt đã tự chứng minh cho hiệu quả tác chiến của tổ hợp. Trang Haaretz tháng 11.2017 ước tính rằng, năm 2006 trong cuộc chiến Lebanon lần thứ hai ở Israel, đã có khoảng 4.000 tên lửa bắn vào các khu dân cư Israel, làm chết 53 người.

Trong chiến dịch " Indestructible Rock " năm 2014, khi các khẩu đội Vòm sắt được triển khai, đã có khoảng 3.360 tên lửa Qassam bắn vào các khu dân cư và chỉ có 2 người thiệt mạng. Một thông số khác cho thấy hiệu quả của Vòm sắt, công ty bảo hiểm phải trả 30 nghìn USD vào năm 2006 cho những yêu cầu bồi thường và chỉ phải trả 2.400 USD vào năm 2014.

Hệ thống phòng không Vòm sắt đánh chặn tên lửa rocket - video Rafael

Cuộc chiến mới sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu xảy ra giữa các nhóm nổi dậy Palestine và Israel, tình thế có thể có nhiều thay đổi. Trong cuộc chiến Syria, xuất hiện nhiều loại vũ khí tự chế có uy lực rất lớn như cái gọi là “pháo địa ngục” – những khẩu súng cối tự chế bắn đạn tự chế bằng bình gas có lượng nổ lớn, các loại tên lửa tự chế khác nhau. Các nhóm cực đoan có được rất nhiều các phương tiện kích nổ, từ cơ khí đến điện tử và có thể sản xuất tên lửa tự chế, đạn súng cối với số lượng lớn.

Cuộc chiến bùng nổ sẽ khiến nhiều tay súng dày dạn kinh nghiệm người Palestine và người Sunni tham chiến. Những kinh nghiệm mà các tay súng cực đoan có được có thể được sử dụng trên chiến trường Palestine – Israel. Đây cũng sẽ là một thử thách lớn mà Vòm sắt phải đối mặt nếu xung đột bùng nổ. 

TTB