Virus corona chủng mới có thể kéo Trung Quốc và Đài Loan vào một cuộc xung đột?

VietTimes -- Đầu tiên là căng thẳng xuất hiện trong kỳ bầu cử lãnh đạo Đài Loan hồi tháng 1, và giờ là căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trong việc sơ tán công dân Đài Loan khỏi vùng tâm dịch nCoV đang gây sức ép lên mối quan hệ giữa hai phía eo biển Đài Loan.
Phối hợp chống dịch OVID-19 giữa Trung Quốc và Đài Loan căng thẳng không kém gì mối quan hệ giữa họ (Ảnh: EPA)
Phối hợp chống dịch OVID-19 giữa Trung Quốc và Đài Loan căng thẳng không kém gì mối quan hệ giữa họ (Ảnh: EPA)

Giới phân tích cho rằng thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp như vậy có thể biến thế bế tắc hiện tại thành cuộc xung đột, đặc biệt là sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), giành được nhiệm kỳ thứ tư, đánh bại Quốc dân đảng thân Bắc Kinh.

Tranh cãi về việc sơ tán công dân bùng phát khi Bắc Kinh phớt lờ đề nghị của Đài Loan cho sơ tán 500 công dân của họ khỏi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch COVID-19 - mặc dù rất nhiều nước đã được Bắc Kinh cho phép làm vậy.

Trung Quốc coi Đài Loan như 1 tỉnh của họ chứ không phải một quốc gia, bởi vậy công tác sơ tán người dân là vấn đề mà chỉ Bắc Kinh mới có quyền quyết. Quan điểm này thậm chí còn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Đài Loan với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi các nhà khoa học Đài Loan đề nghị được hỗ trợ trong việc phát triển chiến lược ngăn chặn virus corona.

Và trong lúc nhiều quốc gia thỉnh cầu WHO để cho phép Đài Loan tham gia vào các cuộc thảo luận, Bắc Kinh gửi trả 247 người Đài Loan về nước trong ngày 3/2. Tuy nhiên, phía Đài Loan đã chỉ trích Trung Quốc khi phát hiện 1 hành khách trên chuyến bay đó bị nhiễm nCoV.

Hàng nghìn người Đài Loan đã đổ lên mạng xã hội để chỉ trích Bắc Kinh vì hành động mà họ cho là cài "Ngựa thành Troy" vào Đài Loan để thử thách công tác chuẩn bị phòng dịch của hòn đảo này.

Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã đặt nghi vấn về cách mà chính quyền Trung Quốc đại lục xử lý việc hồi hương người Đài Loan - khi mà một số hành khách trên chuyến bay đó không nằm trong danh sách sơ tán ban đầu, trong khi nhiều người Đài Loan bị nhồi nhét trên chuyến bay của hãng China Eastern Airlines không được cung cấp gì ngoài 1 chiếc khẩu trang để bảo vệ mình trước nCoV.

Tính chất nghiêm trọng của đợt dịch COVID-19 đã buộc Bắc Kinh phải gật đầu cho phép Đài Loan tham gia một hội thảo của WHO kéo dài 2 ngày ở Geneva, Thụy Sĩ hồi tuần trước, tuy chỉ với tư cách "khách tham dự trực tuyến"; có nghĩa rằng Đài Loan giờ cũng được tham gia các nỗ lực chống virus corona của toàn thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/2 nói rằng Đài Loan được phép tham gia là nhờ vào sự chấp thuận của Bắc Kinh.

"Sự tham gia của Đài Loan vào các hoạt động kỹ thuật của WHO...cần được sắp xếp bởi phía Trung Quốc thông qua các cuộc tham vấn tuân thủ theo "nguyên tắc Một Trung Quốc"" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou thì nói rằng việc các chuyên gia Đài Loan tham gia vào diễn đàn này là kết quả của các vòng đàm phán trực tiếp giữa họ và WHO.

Các nhà khoa học Đài Loan buộc phải tham gia một cuộc họp chống dịch COVID-19  của WHO bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: Xinhua)
Các nhà khoa học Đài Loan buộc phải tham gia một cuộc họp chống dịch COVID-19 của WHO bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: Xinhua)

Giới phân tích cho rằng những tính toán chính trị đóng vai trò quan trọng trong cách thức mà cả hai bên đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Trong khi chính quyền Đài Loan hy vọng các chuyến bay sơ tán sẽ tăng cường quan điểm độc lập của họ, thì Bắc Kinh lại cố gắng giữ vấn đề y tế của hòn đảo này dưới "cái ô" chính sách "Một Trung Quốc".

"Đó là lý do vì sao mà Trung Quốc thay đổi thái độ ban đầu của họ bằng cách triển khai đợt sơ tán người Đài Loan đầu tiên, bởi họ muốn tạo ấn tượng rằng họ là bên chịu trách nhiệm cho các vấn đề sức khỏe của Đài Loan" - Fan Shih-ping, Giáo sư Khoa học chính trị thuộc ĐH National Taiwan Normal ở Đài Bắc, nhận định.

Ông Fan nói Bắc Kinh cũng muốn kiềm chế sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với tư cách thành viên WHO của Đài Loan.

Vấn đề sơ tán người Đài Loan khỏi tâm dịch Vũ Hán đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mã Hiểu Quang – phát ngôn viên của Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc – đã tố chính quyền Đài Loan “bắt lỗi” các nỗ lực của Bắc Kinh, mặc dù thực tế là người Đài Loan ở Vũ Hán vẫn an toàn.

Ông Mã cho rằng chính quyền bà Thái Anh Văn đã lẩn tránh trách nhiệm, ngăn chặn các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc sơ tán hơn 970 người Đài Loan vẫn đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc.

Ông Mã nói, sau khi thực hiện chuyến bay hồi hương đầu tiên, Bắc Kinh đã gửi danh sách 979 người vẫn đang mắc kẹt cho chính quyền Đài Loan. Những người này theo kế hoạch ban đầu thì rời khỏi Trung Quốc đại lục theo 5 nhóm khác nhau, trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 8/2 vừa qua. Tuy nhiên kế hoạch lại bị hủy sau khi Đài Loan nói họ không thể tiếp nhận và theo dõi nổi nhiều người đến vậy khi nhận được thông báo quá gấp rút – ông Mã nói, thêm rằng Đài Bắc cần phải chịu trách nhiệm vì đã đặt nhiều người vào chỗ rủi ro.

Chen Ming-tong, người đứng đầu hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan, cho hay Đài Loan còn yêu cầu phía Trung Quốc ưu tiên hồi hương người già, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh kinh niên, thế nhưng chỉ có 50 người phù hợp với các tiêu chí trên được cho lên chuyến bay đầu tiên.

Alexander Huang Chieh-cheng, Giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại ĐH Tamkang ở Đài Bắc, nói rằng việc Trung Quốc và Đài Loan thất bại trong việc đối phó với dịch COVID-19 sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ hai phía eo biển Đài Loan trở nên tồi tệ hơn.

“Dịch bệnh bùng phát ngay sau khi Đài Loan tổ chức kỳ bầu cử lãnh đạo và tâm lý phản đối Trung Quốc vẫn chưa nguôi” – ông Huang nói, thêm rằng đợt dịch COVID-19 lần này sẽ càng khiến Đài Loan tách xa khỏi Trung Quốc đại lục.

Vị chuyên gia còn nói thêm, hiện nay sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với Đài Loan đang ở mức độ “chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ”. Trong tháng này, cấp phó của bà Thái Anh Văn là ông Lại Thanh Đức (William Lai Ching-te), chính thức nhậm chức vào ngày 20/5 tới, cũng có chuyến thăm “riêng tư” tới Washington, và trở thành vị chính trị gia cấp cao đầu tiên của chính quyền Đài Loan gặp gỡ giới chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong vòng hơn 40 năm qua.

Diễn biến trên, cùng với việc Đài Loan làm mới mối quan hệ với WHO, có thể khiến Bắc Kinh có hành động phản ứng, theo ông Huang. “Ảnh hưởng từ sự việc này sẽ càng khiến cho mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng hoặc đẩy lùi tiến trình tái lập lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên” – ông nói.

Wang Kung-yi, Giáo sư Khoa học chính trị thuộc ĐH Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc, cho rằng cả hai bên cần phải đối thoại bởi tình trạng bế tắc hiện nay có thể bùng nổ, làm dấy lên nguy cơ xung đột chỉ trong vòng vài năm tới nếu như họ không thể giải quyết được những vấn đề căng thẳng hiện nay.

“Mối quan hệ xuyên eo biển đang lao vào một vòng xoáy nguy hiểm, khi Trung Quốc và Đài Loan thách thức lẫn nhau trong bầu không khí bất tín” – ông Wang nói. Tình trạng hiện nay có thể dẫn tới một cuộc “xung đột trực diện nếu như không có bên nào thể hiện thiện chí trong khoảng thời gian nhiệm kỳ lãnh đạo mới của bà Thái Anh Văn, bắt đầu từ tháng 5/2020”.