Vinpearl Air muốn bay thương mại từ năm 2020, dự kiến có lãi từ năm 2023

VietTimes -- Nếu được chấp thuận “cấp phép bay”, Vinpearl Air dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện mục tiêu khai thác thương mại từ tháng 7/2020 với quy mô đội bay ban đầu là 6 tàu bay.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của CTCP Hàng không Vinpearl Air (Vinpearl Air).

Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư là 4.700 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng (chiếm 27,66%); nguồn vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng (chiếm 72,34%).

Gần đây, Vinpearl Air được một nhà băng đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ là đơn vị đóng vai trò tài trợ, hoặc làm đầu mối thu xếp nguồn vốn, với cam kết cấp tín dụng tối đa 75% tổng mức đầu tư dự án.

Trước đó, như VietTimes đã từng đề cập, cổ đông sáng lập của Vinpearl Air là CTCP Phát triển Du lịch Vinasia (Vinasia) ngày 31/10/2018 đã phát hành lô trái phiếu có giá trị 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 14 tháng (Đọc thêm: Thương vụ trái phiếu 4.000 tỷ đồng của cổ đông sáng lập Vinpearl Air). 

Trong năm đầu tiên, Vinpearl Air dự kiến khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp, với số ghế từ 150 - 220 ghế thuộc dòng máy bay Airbus như A320-200 Neo và A321-200 Neo hoặc B737-NG. Tới năm 2022, hãng sẽ bắt đầu khai thác thêm dòng máy bay thân rộng từ 280 - 350 ghế với số lượng 3 chiếc.

Từ năm 2020 - 2025, trung bình mỗi năm Vinpearl Air sẽ đựa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm. Đến năm 2025, đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc.

Theo hồ sơ dự án, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, hãng sẽ đồng thời thuê khô và thuê ướt tàu bay để giải quyết bài toán trong ngắn hạn. Từ năm 2022, hãng sẽ đa dạng hóa các nguồn cung tàu bay và phương thức sở hữu như thuê mua, thuê lại và thuê ướt để bổ sung theo mùa vụ.

Bên cạnh đó, Vinpearl Air lựa chọn cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm sân bay căn cứ. Trong khoảng 5 năm đầu hoạt động, hãng sẽ tập trung duy trì số chuyến bay khai thác tại sân bay Nội Bài ở trên mức 30% trong tổng số chuyến bay của hãng. Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, hãng sẽ khai thác 21 chuyến/tuần trong năm đầu tiên (chiếm 14,3%) và 112 chuyến/tuần trong năm thứ năm (chiếm 19,7%). Đến năm thứ 2, hãng sẽ bắt đầu khai thác thác đường bay quốc tế.

Theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), quy mô đội bay với 6 chiếc ban đầu của Vinpearl Air là phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg, cũng như kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không trong nước đến năm 2020. Tương tự, quy mô đội tàu bay đến năm 2025 của Vinpearl Air (30 chiếc) cũng được Bộ GTVT đánh giá là “phù hợp”.

Vinpearl Air dự kiến sử dụng Nội Bài làm sân bay căn cứ và trong năm đầu tiên khai thác, hãng sẽ đỗ 2 máy bay qua đêm tại đây. Mỗi máy bay còn lại sẽ được đỗ qua đêm tại các sân bay Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn sau năm 2020, Bộ GTVT lưu ý Vinpearl Air về năng lực hạ tầng hàng không. Trong đó, Bộ GTVT cho biết sân bay Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 để hãng có phương án bố trí độ tàu bay đỗ qua đêm tại các cảng hàng không khác cho phù hợp.

Về tiến độ thực hiện dự án, Vinpearl Air dự kiến hàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020.

Theo các phân tích về hiệu quả đầu tư của dự án, thời gian hoàn vốn kéo dài từ 5 - 6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023./.