|
Ảnh minh họa |
Cụ thể, bài viết "Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” được đăng tải cách đây ít ngày trên trang web của Vinastas đã bị gỡ bỏ. Lý do được Vinastas đưa ra là do bài viết được trang web của Hội lấy từ nguồn khác nên khi khi nguồn này gỡ bài viết, web của Hội cũng phải gỡ theo.
Chiều ngày 21/10, sau khi gỡ bỏ bài viết gây hoang mang dư luận trên, Vinastas lại có thêm bài viết "Một số thông tin liên quan đến Chương trình khảo sát nước mắm" trong đó giải thích "Tuy nhiên kết quả thử nghiệm này mới chỉ thông tin về tổng hàm lượng asen tức là bao gồm cả asen hữu cơ và asen vô cơ, trong đó đặc biệt là asen vô cơ có tính độc hại cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy Vinastas tiến hành thử nghiệm tiếp hàm lượng asen vô cơ trong 20 mẫu khảo sát có hàm lượng asen tổng vượt mức quy định. Kết quả cho thấy cả 20 mẫu đều không phát hiện có asen vô cơ với giới hạn phát hiện là 0,01 mg/L”.
Như vậy, Vinastas - cơ quan bảo vệ người tiêu dùng - đã ném vào dư luận một quả bom "nước mắm hiện tại có chứa thạch tín", khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng trong việc sử dụng nước mắm. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm mấy ngày nay điêu đứng vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Trước những khó khăn do Vinastas "dẫn nguồn báo khác" gây ra, 5 hiệp hội: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và các Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết - Bình Thuận, Phú Quốc cùng với Hội Lương thực thực phẩm TP HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại do những thông tin sai lệch này.
Văn bản kiến nghị nêu rõ, nước mắm là sản phẩm truyền thống của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam, được tiêu dùng rộng rãi từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, việc công bố "nước mắm nhiễm asen" đã tác động trực tiếp, gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.
Vì vậy, đại diện các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng asen, thực chất là không gây hại nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng; công bố công khai trên thông tin đại chúng việc asen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm Asen trong nước mắm.
Không dừng lại ở đó, việc công bố thông tin không rõ ràng này cũng khiến Bộ Y tế phải phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM tổ chức kiểm tra chất lượng nước mắm sản xuất và kinh doanh trên địa bàn TP.HCM từ chiều ngày 21/10.
Dự kiến, Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố thông tin kiểm tra vào ngày 24/10.