Trước đây khi đi du lịch hoặc công tác nước ngoài, mọi người thường không bao giờ nghĩ tới việc sử dụng data roaming của các nhà mạng trong nước bởi cước phí vô cùng đắt. Trước ngày 1/5/2017, mức cước data roaming được áp dụng cho tất cả các mạng thuộc các quốc gia trên thế giới rơi vào khoảng 512.000 đồng/MB, sau đó đã được giảm xuống còn 102.400 đồng/MB. Tuy nhiên, với mức cước này, chỉ cần nhỡ tay bật 3G để lướt Facebook hoặc chia sẻ hình ảnh là có thể nhận ngay hóa đơn lên tới tiền triệu là chuyện bình thường.
Do đó không mấy ai dám sử dụng data roaming khi đi nước ngoài, mà tìm cách sử dụng WiFi công cộng hoặc mua SIM ở nước bản địa để sử dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với những người thực sự cần kíp sử dụng Internet để truy cập email xử lý công việc còn đa phần nhiều người đành chọn phương án tạm “nhịn” truy cập Internet vài hôm trong thời gian ở nước ngoài. Tuy nhiên với thời đại kết nối vạn vật như hiện nay, việc phải “nhịn” lướt Facebook, tin tức, email… vài ngày là điều hết sức bức xúc với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Gần đây, các nhà mạng đã đồng loạt giảm cước data roaming cực khủng. Tiên phong trong cuộc cách mạng giảm giá cước này chính là VinaPhone – nhà mạng đã “nổ phát súng” giảm giá đầu tiên với mức giảm lên tới 95% từ 102.400 đồng/MB xuống còn chỉ còn 5.000 đồng/MB trên toàn cầu. Thậm chí nếu người dùng sử dụng gói R500 mới nhất của VinaPhone thì mức giá giảm chỉ còn 244 đồng/MB. Đây là mức cước được đánh giá rẻ nhất trong các nhà mạng Việt Nam hiện nay, gần như san bằng chênh lệch cước data roaming trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, VinaPhone còn triển khai chương trình khuyến mại data roaming từ ngày 01/12/2017 đến hết 28/02/2018. Theo đó, ngay sau khi đăng ký thành công dịch vụ chuyển vùng quốc tế khách hàng sẽ được tặng miễn phí 30MB sử dụng Internet tại nước ngoài, phạm vi sử dụng lên tới 28 Quốc gia/vùng Lãnh thổ.
Theo báo cáo của hiệp hội thông tin di động thế giới, sản lượng dịch vụ thoại roaming đang giảm trung bình 10%/năm, trong khi đó, sản lượng data roaming tăng trưởng trung bình 20-30%/năm. Điều này được lý giải do sự thay đổi trong hành vi sử dụng của người dùng. Khách hàng giờ đây khi đi nước ngoài thường sử dụng các ứng dụng OTT (Facebook Messenger, Viber, Zalo,…) có kết nối internet để liên lạc với bạn bè, người thân; thay vì sử dụng thoại và SMS truyền thống.
Theo ghi nhận tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng data khi đi nước ngoài cũng rất lớn. Ngoài việc sử dụng dịch vụ roaming data của các nhà mạng, khách hàng cũng có thể lựa chọn các phương án thay thế như mua SIM bản địa, wifi… Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều khách hàng Việt Nam, giá cước data roaming của ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đang rất cao so với giá data nội địa, làm hạn chế mức sử dụng của khách hàng khi đi nước ngoài.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ ngày 1/6/2017, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức bãi bỏ quy định về quản lý giá sàn cước liên mạng quốc tế, cho phép các nhà mạng chủ động đàm phán giá cước chuyển vùng quốc tế liên mạng với thế giới.