4 dự án thua lỗ của Vinachem hiện nay là dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, phân bón DAP Đình Vũ và dự án phân bón DAP Lào Cai.
Theo Vinachem, với các khoản vay của các dự án đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và phân bón DAP Lào Cai tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn vay thành 20 năm. Đồng thời với kéo dài thời gian trả nợ là cân đối lại việc trả nợ gốc, nợ lãi.
Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay của dự án về mức 3%/năm trong thời gian 5 năm (từ 2017 đến 2021). Từ năm thứ 6 trở đi áp dụng lãi suất trên 8,55%/năm.
Đối với các khoản vay thương mại của 4 dự án trên, Vinachem đề nghị cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Ngoài ra, các dự án cần được giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi, cho phép cơ cấu kéo dài thời hạn trả nợ cùng với việc giữ nguyên nhóm nợ, được trả nợ gốc trước, lãi sau và không tính lãi quá hạn...Các ngân hàng tiếp tục cho vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Đồng thời với đó là các ngân hàng chủ nợ tiếp tục giải ngân vốn vay đầu tư còn lại theo các hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án đã hoàn thành đầu tư để thanh quyết toán với các nhà thầu. Số tiền này tại dự án đạm Hà Bắc là 23 triệu USD, tại dự án DAP Lào Cai là 32 tỷ đồng.
Để đảm bảo các dự án có thể....bán được sản phẩm, Vinachem còn đề nghị tiến hành áp thuế phòng vệ đối với phân bón nhập khẩu, và đưa phân bón vào diện hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng, thay vì được ưu đãi thuế như hiện nay. Đề nghị này nhằm tạo áp lực để phân bón nhập khẩu phải có giá cao hơn giá phân bón trong nước và từ đó tạo lợi thế về giá cho sản phẩm của 4 dự án thuộc tập đoàn hiện đang thua lỗ.
Như vậy, từ các đề xuất của Vinachem, có thể thấy hi vọng lớn nhất với 4 dự án là phụ thuộc trước tiên vào ý chí của các chủ nợ.
Với vấn đề này, Vinachem đề nghị can thiệp bằng con đường hành chính, khi Chính phủ phải can thiệp để đồng thời vừa mở đường kéo dài thời gian trả nợ, vừa ưu đãi lãi suất và tiếp tục cho vay vốn duy trì sản xuất.
Nhưng chừng ấy cũng chưa đủ để các dự án "sống" lại. Mà ngay cả khi được cơ cấu về đầu tư, nguồn vốn, các dự án tiếp tục cần được bảo hộ về thị trường thì mới có khả năng tạo được lợi thế cạnh tranh để hi vọng có thể sản xuất, kinh doanh được.
Nói cách khác, cho dù có được cơ cấu về nguồn vốn, phân kỳ trả nợ, thì nếu không được bảo hộ về cơ chế bán hàng như dự hàng rào thuế tự vệ, thuế giá trị gia tăng, thì tính khả thi trả nợ của 4 dự án này cũng không còn.
Thực tế, chính thanh tra của Bộ Công Thương, sau khi hoàn thành thanh tra dự án đạm Ninh Bình cũng đã kết luận dự án này không có hiệu quả kinh tế.
Mặt khác, với đề nghị áp thuế tự vệ và tăng thuế giá trị gia tăng với phân bón nhập khẩu, giả sử có được chấp nhận, thì lợi ích trước tiên sẽ thuộc về hai nhà sản xuất trong nước đang thống lĩnh thị trường phân đạm hiện nay là đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ.
Cần nhắc lại là, đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ vừa là hai nhà sản xuất phân đạm lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và thực tế đang tiến hành nhập khẩu phân đạm để bán ở thị trường trong nước.
Do thế, dự hàng rào thuế tự vệ và áp thuế giá trị gia tăng dường như chỉ có tác dụng với phân DAP sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế với loại sản phẩm này, Vinachem chỉ cần xin giảm giá bán nguyên liệu quặng cho các dự án là có thể đã đảm bảo lợi nhuận và tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Nhưng đó lại là điều mà tập đoàn này không muốn.
Vì trong những năm qua, giá quặng sản xuất phân bón DAP - do chính doanh nghiệp thuộc Vinachem khai thác và bán - đã liên tục tăng. Và thực tế là, ngay trong những năm giá quặng chưa tăng, thì giá bán DAP trong nước cũng đã luôn xấp xỉ hoặc cao hơn giá DAP nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó cũng có thể nói, dựng hàng rào thuế tự vệ và tăng thuế đánh vào phân bón nhập khẩu khó mà tạo được lợi thế đủ để "cứu" được 4 dự án thua lỗ thuộc Vinachem. Mà dường như, lại là cho phép tập đoàn này lãi được thêm, nhưng là lãi ở những doanh nghiệp khác, tại mảng hoạt động khác ?