Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu.
Theo thông tin từ Cục quản lý cạnh tranh, lượng nhập khẩu phân ure trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 443.000 tấn, trị giá 103 triệu USD, tăng 60% về lượng và 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường phân bón trong nước.
Vì vậy, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các công ty thuộc Tập đoàn như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP Đình Vũ, Công ty CP DAP số 2 Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương sớm khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Phân ure từ than chấp nhận khó cạnh tranh
Hiện trong nước có 4 doanh nghiệp sản xuất phân ure gồm: 2 doanh nghiệp sản xuất từ khí thuộc Vinachem là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau với công suất mỗi doanh nghiệp là 800.000 tấn/năm; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc công suất 480.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là 560.000 tấn/năm.
Trong đó, hai doanh nghiệp sản xuất phân đạm ure từ than đang trong tình trạng thua lỗ, Đạm Ninh Bình hiện đã dừng sản xuất, còn Đạm Hà Bắc cũng phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 8, 9 do tồn kho cao.
Hai doanh nghiệp sản xuất phân ure từ khí tuy vẫn làm ăn có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, 2 doanh nghiệp sản xuất phân đạm từ than bị chịu thiệt hại nặng nề là do công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lỗi thời và xu hướng thế giới cũng dần chuyển sang sản xuất phân đạm từ khí. Bên cạnh đó, việc giá than trong nước cao hơn giá than quốc tế cũng là nguyên nhân khiến 2 công ty sản xuất phân đạm từ than thua lỗ.
Do vậy, không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng của mặt hàng phân ure sản xuất từ than là do hàng nhập khẩu.
Áp thuế với phân DAP cần thận trọng
Đối với doanh nghiệp sản xuất phân DAP, do lượng nhập khẩu tăng mạnh nên doanh nghiệp sản xuất phân DAP chịu thiệt hại đáng kể, sản lượng của các công ty sản xuất phân bón DAP đã giảm xuống rất sâu; giá bán loại phân này liên tục phải giảm theo giá nhập khẩu và duy trì ở mức giá bán dưới giá thành sản xuất, thậm chí dưới cả chi phí biến đổi.
Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận, sản xuất phân DAP khó khăn là do nhập khẩu khi tỉ lệ lượng nhập khẩu phân bón so với lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng 184,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, trong nước hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất phân DAP, nên cần phải có biện pháp khắc phục khó khăn cho 2 doanh nghiệp này, nếu không sản xuất phân DAP sẽ khó tồn tại trước cạnh tranh của hàng nhập khẩu dẫn đến khả năng không tự chủ được giá thành phân bón đầu vào đối với nông nghiệp.
Từ đó, lãnh đạo Cục quản lý cạnh tranh đồng ý với việc điều tra áp thuế phòng vệ thương mại cho phân bón DAP.
Tuy nhiên, nếu thuế phòng vệ thương mại cho phân bón có hiệu lực, người nông dân sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi phải dùng phân bón nhập khẩu với giá cao hơn hiện nay. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý, cần phải thận trọng trong việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP.