|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, đại diện VNPT cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, đơn vị này đã mở ứng cứu lưu lượng tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng để lưu thoát lưu lượng Internet quốc tế khu vực miền Nam qua cáp APG và SMW3. Bên cạnh đó, một phần lưu lượng được định tuyến ra Hà Nội để lưu thoát lưu lượng qua hướng cáp CSC, đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.
Ngoài ra, VNPT cũng đã ưu tiên xử lý định tuyến cho các khách hàng doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, đại diện Viettel cũng cho hay khách hàng của họ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Lý do là bởi trước Tết Âm lịch, Viettel đã chủ động bổ sung và nâng cấp dung lượng kết nối quốc tế trên tuyến APG nhánh đi Hong Kong, Nhật Bản và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan.
Viettel cũng đã triển khai giải pháp đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho các máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để giúp khách hàng vẫn truy cập dịch vụ mà không phải kết nối qua hướng quốc tế.
Ngoài ra, hiện nay, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) cũng đang được khắc phục sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 25/2 sẽ tăng cường dung lượng dự phòng kết nối quốc tế cho Viettel để đảm bảo chất lượng dịch vụ tới khách hàng.
Hiện, cả VNPT và Viettel vẫn chưa nhận được lịch sửa chữa từ phía đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển này.
Trước đó, vào khoảng 17h15 chiều ngày 18/2/2017, ISP Việt Nam đã có thông báo về việc sự cố trên nhánh cap AAG nối Việt Nam và Hồng Kông. Hiện nguyên nhân của sự cố vừa xảy ra với tuyến cáp quang biển AAG vẫn chưa được xác định. Đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG vẫn chưa có thông tin chính thức về sự cố lần này cho các ISP tại Việt Nam.
Đây là sự cố cáp quang thứ 11 trong 4 năm qua.