Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần thứ 12 năm 2019.
Theo đó, VCB dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 26/4/2019, địa điểm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông dự họp là ngày 18/3/2019.
Tại cuộc họp này, ĐHĐCĐ sẽ thông qua nhiều nội dung như: Báo cáo HĐQT về hoạt động năm 2018 và định hướng năm 2019; Báo cáo của Ban Điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và định hướng năm 2019; Báo cáo của Ban Kiểm soát về hoạt động năm 2018 và định hướng năm 2019; Tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2018...
Đáng chú ý, cũng tại buổi họp này, các lãnh đạo VCB sẽ trình ĐHĐCĐ về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019.
Một số báo cáo, tờ trình sẽ được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thương niên năm 2019 của Vietcombank (Nguồn: VCB)
|
Được biết, trong năm 2018, VCB là một trong số ít các ngân hàng ghi nhận kết quả khả quan từ việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu.
Ngay từ đầu năm, Hội đồng quản trị (HĐQT) VCB đã thành lập một tổ chuyên trách công việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Tới tháng 2/2018, VCB đã công bố phương án chi tiết về việc tăng vốn điều lệ từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến chào bán tối đa 359.776.857 cổ phần, tương ứng 10% số cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, VCB dự kiến phát hành 53.966.850 cổ phiếu (tương đương 1,36% tổng số cổ phần sau phát hành) cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản (Mizuho Bank) để nhà đầu tư này tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 15%. Phần lớn số cổ phần (305.810.007 cổ phiếu) sẽ được VCB phát hành cho các nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới có văn bản chính thức số 7105/NHNN-TTGSNH chấp nhận phương án tăng vốn điều lệ của VCB.
Được biết, văn bản này sẽ có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu ĐHĐCĐ VCB thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này sẽ hết hiệu lực pháp lý.
Sau khi có được sự đồng ý của NHNN, VCB đã gấp rút thực hiện hoạt động phát hành riêng lẻ và kết quả được công bố chi tiết vào đầu tháng 1/2019.
Cụ thể, VCB đã phân phối được 111.108.873 cổ phiếu, tương đương 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là GIC Private Limited đã thực hiện mua 94.442.442 cổ phần, tỷ lệ sở hữu sau đợt chào bán đạt 2,55%. Để duy trì tỷ lệ sở hữu 15%, Mizuho Bank Ltd đã thực hiện mua thêm 16.666.431 cổ phần.
Với mức giá phát hành là 55.510 đồng/cổ phần, VCB đã thu về hơn 6.167 tỷ đồng từ thương vụ này.
Cổ tức bằng cổ phiếu và áp lực tăng vốn của các “ông lớn” ngân hàng |
Bên cạnh việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu, VCB cũng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho các ngân hàng thương mại được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thay vì phải thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt vào ngân sách. Tương tự VCB, nhiều “ông lớn” ngân hàng quốc doanh khác cũng đề nghị được thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng quy mô vốn điều lệ nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020./.