Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tái khẳng định lập trường giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn

"Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC", ông Bình hôm nay trả lời câu hỏi liên quan đến vụ kiện "đường 9 đoạn" tại tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Trung Quốc hôm 14/7 kêu gọi Philippines từ bỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông tại toà án quốc tế, thay vào đó là đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh.

Trong hồ sơ nộp nộp lên tòa từ 2013,Philippines yêu cầu toà ra phán quyết đối với "đường 9 đoạn", yêu sách chủ quyền chiếm gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Manila khẳng định Bắc Kinh đang chà đạp lên quyền của các nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc nói toà án không có thẩm quyền và từ chối tham gia.

Tòa PCA từ hôm 7/7 bắt đầu nghe giải trình của Philippines, để quyết định xem tòa có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không. Phiên toà kéo dài một tuần kết thúc hôm 13/7. Việt Nam cùng Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản tham gia với tư cách quan sát viên.

Toà án hoạt động theo UNCLOS cho hay Bắc Kinh có thời hạn đến ngày 17/8 để hồi đáp với toà và họ sẽ đưa ra phán quyết trong năm nay. Đại diệnBộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này đã chuẩn bị rất kỹ càng cho vụ kiện ngay từ đầu và lạc quan một cách cẩn trọng rằng toà có thẩm quyền đối với vụ việc.

Tại Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh không chỉ đưa ra yêu sách phi lý mà liên tục có các hành vi gây hấn với tàu cá của các nước liên quan, thúc đẩy cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Các hành vi này của Trung Quốc bị nhiều nước lên tiếng chỉ trích và yêu cầu ngừng gây căng thẳng.

Việt Anh theo VnExpress