Dự án do Đại học Queensland (Úc) viện trợ từ nguồn Quỹ Wellcome (Anh), triển khai tại các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2023-2028, nhằm giải quyết các gánh nặng bệnh tật cho người dân và hệ thống y tế của Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là xây dựng được công cụ dự báo sớm dịch sốt xuất huyết Dengue ở tuyến huyện/xã ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng phần mềm tích hợp trên điện thoại, máy tính, thuận tiện cho cán bộ y tế và người dân.
Từ đó, chủ động triển khai kịp thời các hoạt động can thiệp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Dự án được triển khai trong 5 năm với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới ở các lĩnh vực khác nhau, sẽ đưa ra những bằng chứng khoa học về tính chính xác, tính ứng dụng, tính hiệu quả kinh tế của công cụ này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế kỳ vọng công cụ này sẽ thành công, được nhân rộng ứng dụng cho các tỉnh khác và trong toàn bộ hệ thống y tế, nhằm thực hiện mục tiêu làm giảm tỷ mắc và tử vong do sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam.
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những căn bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới, hiện ngày càng có thêm nhiều nước có sốt xuất huyết Dengue lưu hành.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết Dengue đang là một trong những vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm nhất, với số mắc từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn ca mỗi năm. Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là khu vực lưu hành bệnh lớn nhất. Đây là gánh nặng bệnh tật, gánh nặng cho hệ thống y tế và cũng là gánh nặng kinh tế lớn ở Việt Nam.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình sốt xuất huyết thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp và dự báo tiếp tục gia tăng, do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng. Vì thế, công cụ dự báo này sẽ có giá trị trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.