Việt Nam tăng trưởng nhanh về chỉ số hoạt động Logistics trong chuỗi toàn cầu

VietTimes -- Theo báo cáo của World Bank về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạcdiễn đàn Logistics Việt Nam 2019 lần thứ 7 (VLF 2019) diễn ra tại Đà Nẵng

Sáng 23/11, tại TP Đà Nẵng, diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 lần thứ 7 (VLF 2019) mang chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” đã khai mạc.  

Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, World Bank Group và một số đơn vị tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đại diện nhiều bộ, ngành cùng hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Theo Ban tổ chức, qua 6 lần tổ chức, diễn đàn đã trở thành một thương hiệu uy tín với cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, là địa chỉ tập hợp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu để trao đổi về những vấn đề thời sự trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam và kiến nghị những giải pháp để hoàn thiện môi trường kinh doanh ngành dịch vụ này.

Phiên toàn thể diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 lần thứ 7 do Bộ Công thương tổ chức tại Đà Nẵng

Tại VLF 2019, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trước xu hướng phát triển của công nghệ số, nhằm mục tiêu “khơi thông dòng chảy logistics”. 

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông-Tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics và đặc biệt nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá và thực tiễn, nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.

Về định hướng đối với nhiệm vụ phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho biết: “Không chỉ tăng cường quy mô về tài chính, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics; phải tham gia các chuỗi, khả năng và tính liên kết cũng cần đặt ra. Tôi muốn nhấn mạnh, phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế khác. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa ở cả 3 cấp độ, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ logistics”.

Cảng Chu Lai (Quảng Nam), một mô hình phát triển chuỗi logistic tại miền Trung

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao, từ 13-15%/năm và đang có nhiều lợi thế để phát triển đối với ngành vận tải và logistics với khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Đặc biệt, theo báo cáo của World Bank về chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. 

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, chi phí logistics cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

“Chính vì vậy, thông qua diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, chúng tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cả nước đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác” – Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Ousmane Dione - Giams đốc Quốc gia,  Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ Công thương và các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua. 

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác phối hợp nghiên cứu, quy hoạch, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng; các hoạt động dịch vụ logistics chưa phát triển như mong muốn; chi phí dịch vụ logistics còn cao; khả năng ứng dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực logistics còn hạn chế…

“Cần nhận thức và quán triệt định hướng chỉ đạo, phát triển ngành logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, một trong những đầu mối cảng biển tại miền Trung

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động đến khu vực và Việt Nam...

Từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức.